Xuất khẩu lao động miền núi gặp khó

09:09, 29/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được tỉnh ta khuyến khích, hỗ trợ, coi đây là kênh giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác XKLĐ ở các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn, khi thị trường không thu hút lao động, tình trạng người lao động bỏ việc, về nước trước hạn xảy ra, dẫn đến nhiều hệ lụy.

TIN LIÊN QUAN

Đầu năm 2016, huyện Sơn Tây tổ chức hội nghị đối thoại với người lao động (LĐ) tham gia XKLĐ để nắm bắt tâm tư,  nguyện vọng của người LĐ, đồng thời giải quyết những tồn tại trong công tác XKLĐ. Từ năm 2009-2015, có 230 LĐ ở 6 huyện miền núi làm việc ở Malaysia về nước trước hạn, trong đó huyện Sơn Tây có 41 LĐ.

Theo Sở LĐ-TB&XH, thông qua việc đối thoại cho thấy, nguyên nhân khách quan là do tai nạn, không đạt sức khỏe... dẫn đến việc LĐ về nước trước hạn chỉ chiếm 33%, còn nguyên nhân chủ quan như nhiều LĐ bỏ trốn ra ngoài, tự ý về nước, đánh nhau vi phạm kỷ luật, không đáp ứng công việc, tự nguyện xin về nước chiếm đến 67%.

Lao động miền núi tham gia học tiếng nước ngoài trước khi XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Lao động miền núi tham gia học tiếng nước ngoài trước khi XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.


Cuộc sống của người dân miền núi còn nhiều khó khăn, khi tham gia XKLĐ phải vay mượn mới đủ kinh phí, nên khi trốn về nước trước hạn, người LĐ đã không có thu nhập lại thêm gánh nợ. Như trường hợp của anh Đinh Văn Keo ở xã Sơn Bua (Sơn Tây), năm 2014 tham gia XKLĐ sang thị trường Malaysia.

Theo hợp đồng lao động được ký kết, anh làm công nhân trong nhà máy in, nhưng chỉ sau vài tháng làm việc anh Keo tự ý bỏ việc, vì cho rằng mức thu nhập thấp, điều kiện làm việc và sinh hoạt không như mong muốn. Sau đó anh bỏ về nước, nên số tiền vay mượn đến nay vẫn chưa trả xong.  
 

Năm 2016, UBND tỉnh giao chỉ tiêu XKLĐ cho các huyện, thành phố trong tỉnh là vận động 1.600 người tham gia XKLĐ. Đến cuối năm, chỉ tiêu này có thể đạt và vượt. Tuy nhiên, hầu hết số lượng tham gia XKLĐ chủ yếu ở các huyện đồng bằng. Đối với 6 huyện miền núi, đến thời điển này mới chỉ có 30 người XKLĐ và 50 LĐ đang chờ bay. Đến cuối năm, chỉ tiêu XKLĐ ở các huyện miền núi khó hoàn thành.
Ông CAO ĐÌNH HÒA – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

Ông Võ Duy Yên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho hay: Những năm trước đây, thanh niên tỉnh ta tham gia XKLĐ khá đông. Tuy nhiên, 1 -2 năm gần đây, nhiều LĐ không mạnh dạn tham gia XKLĐ, do xảy ra một số trường hợp về nước trước hạn, một số thị trường LĐ không ổn định, dẫn đến số lượng đăng ký rất thấp. Một điều quan trọng là, chất lượng LĐ miền núi thấp nhưng LĐ lại muốn làm việc ở các thị trường chất lượng cao.

Theo ông Yên, hiện nay đi XKLĐ tại Malaysia thu nhập khoảng gần 7 triệu đồng/tháng, không buộc LĐ phải có chứng chỉ ngoại ngữ. Đây là thị trường được xác định phù hợp với đa số LĐ nông thôn, miền núi.

Tuy nhiên, từ chỗ là địa phương có gần 1.100 LĐ đi XKLĐ, trong đó 90% đi Malaysia, thì hiện nay với các điều kiện thuận lợi hơn nhưng LĐ ở các vùng nông thôn, miền núi tỉnh ta lại không mặn mà với thị trường này.

Một trong những nguyên nhân là do đồng Ringgit của Malaysia mất giá, từ thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Đồng thời, một số ít LĐ miền núi tham gia XKLĐ tại các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc có thu nhập cao trở về thành đạt đã gây tâm lý so sánh. Tuy nhiên, để tìm được LĐ có thể đáp ứng được các yêu cầu của thị trường chất lượng cao ở các huyện miền núi là điều không dễ.

Ông Cao Đình Hòa – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, nhằm hạn chế tình trạng lao động tham gia xuất khẩu phải về nước trước hạn, thời gian tới Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị tuyển dụng trong tỉnh chú trọng đến chất lượng tuyển chọn LĐ, tổ chức tốt công tác giáo dục định hướng, bổ túc nghề, ngoại ngữ để người LĐ nâng cao nhận thức, có ý thức kỷ luật, đáp ứng tốt công việc và thích nghi với cuộc sống khi tham gia làm việc ở nước ngoài.

Đối với các trường hợp LĐ về nước trước hạn, sẽ phối hợp với các ngành liên quan xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm, phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội khoanh nợ hoặc xóa nợ cho người LĐ trong thời gian đến, để họ có cơ hội phát triển kinh tế gia đình.
 

Bài, ảnh: XUÂN HIẾU

 


.