(Báo Quảng Ngãi)- Cơ cấu việc làm ở tỉnh ta đã xuất hiện tình trạng thừa thầy thiếu thợ, nhất là những lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Do đó, việc định hướng, phân luồng học sinh sau bậc THCS, THPT là một yêu cầu cấp bách, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của đất nước.
TIN LIÊN QUAN
Nhà nghèo, thi trượt thì vào học nghề
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ Nguyễn Văn Bảy cho biết, một thực trạng không lấy gì làm vui là, tâm lý chung của học sinh và phụ huynh hiện nay là ít muốn học nghề, có tư tưởng là bằng mọi giá phải học đại học, ít nhất cũng là bậc cao đẳng. Nhu cầu học nghề, yêu thích nghề từ khi bậc học THCS, THPT không nhiều. Em S. ở thôn 2, xã Đức Chánh (Mộ Đức) cùng ba vượt gần 60km đến Trường Cao đẳng KTCN Dung Quất để nhập học nghề công nghệ ô tô.
Định hướng nghề gắn với thực tế sẽ giúp các em sớm có định hướng trong việc lựa chọn nghề nghiệp. |
Bố em S. chia sẻ: “Nó còn quá nhỏ để học nghề. Gia đình có nguyện vọng để con học tiếp, nhưng do thi trượt vào 10, đành phải cho học nghề”. Em B. học sinh Trường THPT Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi) đăng ký nhập học vào Trường Cao đẳng KTCN Dung Quất, ngành điện tử công nghiệp, nhưng trên gương mặt vẫn lộ chút mặc cảm khi trò chuyện cùng chúng tôi.
Em B. nói: Do thi trượt đại học, nên em phải nộp đơn học ngành này, nhưng không phải là sở thích của em... Chính những suy nghĩ đó cùng với công tác tuyên truyền phân luồng học sinh chưa được quan tâm đúng mức và chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau học nghề còn bất cập, nên nhiều học sinh, phụ huynh ít cho con học nghề.
Năm học mới 2016 – 2017, số lượng học sinh đến các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng nghề có tăng hơn so với những năm trước, nhưng đa phần là các em đến học không phải là sở thích mà là "con đường cùng", do thi trượt đại học hoặc rớt lớp 10. Ông Nguyễn Văn Bảy, cho biết thêm, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS ngành giáo dục đều làm, nhưng cách làm hiện nay chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Chẳng hạn, học sinh lớp 9 học một năm chỉ được học 9 tiết tập trung định hướng nghề. Các nghề khuyến khích học sinh học như tin học, may vá, thú y, nấu nướng... cũng còn khá chung chung, chưa rõ ràng, chưa thật sự hấp dẫn, các em học cốt chỉ để được cộng điểm. Đa phần các em vào trường nghề trong tâm trạng chán nản, thất vọng sau khi thi trượt tốt nghiệp THPT, đại học hoặc trượt lớp 10. Chính vì lẽ đó, nhiều em chưa phát huy hết khả năng của mình trong những năm tháng học ở trường nghề.
Hướng nghiệp cần thực tế
Trước tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" ngày càng gia tăng hiện nay, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng liên quan phải có giải pháp định hướng, phân luồng học sinh. "Việc phân luồng, định hướng nghề cho học sinh không phải nhắm vào học sinh yếu kém, mà cần phải khơi dậy sở thích học nghề trong mỗi học sinh. Có như vậy chúng ta mới có nguồn nhân lực lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội", ông Bảy phân tích.
Việc định hướng, phân luồng học sinh phải thực tế hơn để những em học nghề có niềm tin, thấy được ý nghĩa của việc học nghề, phù hợp với năng lực thực của bản thân.
Ông Trần Hữu Tháp – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, ngành giáo dục đã có động thái phân luồng, định hướng học sinh sau bậc THCS, THPT, nhưng thực tế thì chưa rõ ràng. Hiện chỉ có một luồng là sau phổ thông các em vào các trường cao đẳng, đại học... trong khi việc đào tạo ở một số trường chưa gắn với nhu cầu thực tế, nên sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều.
Năm học vừa qua, Quảng Ngãi đã thực hiện tốt một số mô hình giáo dục trong trường học, được Bộ GD&ĐT đặt vấn đề tiếp tục xây dựng một số mô hình trường học gắn liền với sản xuất, kinh doanh ở một số địa phương trong tỉnh. Ngành giáo dục cũng đang nghiên cứu lấy mô hình trồng tỏi ở Lý Sơn hoặc mô hình nuôi cá, trồng trọt... để thực hiện. Sau khi các em ra trường, hướng các em về những nơi này... Có vậy, việc phân luồng mới mang lại hiệu quả.
Bài, ảnh: MAI HẠ