Đào tạo, phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp: Nhìn từ thực tiễn

09:09, 08/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, ngành công nghiệp Quảng Ngãi đã có sự phát triển vượt bậc, với tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh trên 57%. Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hiện vẫn chưa đáp ứng, nhất là các ngành công nghiệp có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao.

TIN LIÊN QUAN

Đào tạo trong sản xuất

Doanh nghiệp đi đầu trong công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất công nghiệp cho người lao động Việt Nam tại Quảng Ngãi chính là Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina - một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất tại KKT Dung Quất.

Công nhân Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử SUMIDA trong ca làm việc.
Công nhân Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử SUMIDA trong ca làm việc.

Ông Yeon In Jung - Tổng Giám đốc Doosan Vina cho biết, trong quá trình sản xuất, Doosan đặc biệt chú ý vấn đề đào tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ kỹ thuật cho đội ngũ kỹ sư, công nhân người Việt Nam tại công ty. Doosan Vina hiện có trên 2.200 lao động, trong đó có 463 kỹ sư (20%), trên 1.630 công nhân lành nghề (70%) – được đào tạo và chuyển giao công nghệ tại Trung tâm đào tạo của công ty.

“Định hướng của Doosan Vina là đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để họ chung tay tạo ra những sản phẩm công nghiệp nặng phục vụ nhu cầu phát triển hạ tầng, không chỉ hướng đến thị trường nội địa mà Doosan Vina cũng đang hướng đến các thị trường quốc tế khi đã, đang và sẽ xuất đi những sản phẩm mang thương hiệu Made in Vietnam”, ông Yeon In Jung nói.

Nếu Doosan Vina đi đầu trong việc đào tạo công nghệ sản xuất công nghiệp nặng, thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là đơn vị số 1 của Việt Nam trong đào tạo kỹ sư, công nhân ngành lọc hóa dầu. Công tác đào tạo ở đây được đầu tư toàn diện từ kiểm tra lý thuyết đến thực hiện mô hình trên công trường. Các kỹ sư Việt Nam được bố trí làm việc, nghiên cứu kỹ thuật cùng chuyên gia nước ngoài để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

Cách đây sáu năm, khi NMLD Dung Quất mới đưa vào vận hành có gần 200 chuyên gia nước ngoài trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, đến nay chỉ còn khoảng 30 người. Thợ, kỹ sư lọc dầu trẻ chiếm hơn 75% số cán bộ, nhân viên trong nhà máy, đang làm chủ hệ thống, từ quản lý chất lượng với quy trình đạt chuẩn đến việc kiểm soát môi trường, chất lượng sản phẩm xăng, dầu, quy trình vận hành an toàn. Nói như Chủ tịch HĐTV Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang thì: “Nguồn vốn quý của Công ty BSR chính là đội ngũ kỹ sư trẻ được đào tạo bài bản, chính quy, với tiêu chuẩn quốc tế, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra chỉ tiêu, đến năm 2020 tỷ lệ công nghiệp – xây dựng chiếm 60-61% trong tổng GRDP. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 113.000 tỷ đồng, tăng bình quân 2-3%/năm, nếu không tính sản phẩm NMLD thì tăng 14-15%/năm. Giá trị công nghiệp tăng thêm đến năm 2020 khoảng 24.400 tỷ đồng, tăng bình quân 3-4%/năm; tỷ lệ lao động công nghiệp – xây dựng trong tổng số lao động của tỉnh chiếm 32%.
Nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp còn thiếu và yếu

Nhìn vào thực tiễn phát triển công nghiệp của Quảng Ngãi thời gian qua cho thấy, số doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao như NMLD Dung Quất hay Doosan Vina chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cung ứng nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu lao động trong lĩnh vực công nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ khá thấp, hiện chiếm 18% tổng số lao động đang làm việc.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, lao động ngành công nghiệp ở Quảng Ngãi hiện nay đa số là lao động phổ thông, có trình độ, tay nghề hạn chế; tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao. Đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đang thiếu trầm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh.

Để tạo nền tảng vững chắc, đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta cần tập trung phát triển công nghiệp trên cơ sở phát triển của khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy khóa XVIII và các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển nguồn nhân lực, phục vụ yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, cần rà soát, bổ sung chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi, nhất là thu hút nhân tài cho nhiệm vụ đột phá phát triển công nghiệp. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và đa dạng hóa, mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Cần đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ, nhằm đảm bảo cho lao động đào tạo ra được sử dụng đúng với chương trình đã đào tạo. Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao, như NMLD Dung Quất hay Doosan Vina đã và đang thực hiện.


Bài, ảnh: PHẠM DANH



 


.