Chọn nghề theo nhu cầu xã hội

09:08, 31/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự định hướng của nhà trường và hiểu rõ bản thân, trong kỳ tuyển sinh năm 2016 này, nhiều học sinh đã chọn trường nghề để theo học.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù chỉ mới xét tuyển nguyện vọng 1, nhưng nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đã nhận lượng hồ sơ "khủng". Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất năm nay tuyển sinh hơn 1.300 chỉ tiêu, nhưng tới thời điểm này, số lượng hồ sơ gửi về gần 900 hồ sơ.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt - Trưởng ban Tuyển sinh và Tư vấn việc làm nhà trường, cho biết: "Nhà trường xét tuyển theo phương thức: Xét theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét học bạ. Hiện tại các ngành hot của trường như: Chế tạo các thiết bị cơ khí, hàn có số lượng hồ sơ nộp vượt chỉ tiêu. Số hồ sơ nộp đến thời điểm hiện tại tăng nhiều so với năm 2015".

Sinh viên học trường đào tạo nghề thường xuyên thực hành với các thiết bị công nghiệp hiện đại.
Sinh viên học trường đào tạo nghề thường xuyên thực hành với các thiết bị công nghiệp hiện đại.


Trường Trung cấp Nghề của tỉnh cũng đã có hơn 200 hồ sơ nộp vào trường. Năm nay trường tuyển 700 chỉ tiêu, trong đó tốt nghiệp THCS là 610 chỉ tiêu, tốt nghiệp THPT là 90 chỉ tiêu. Ông Đặng Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng đào tạo và Quản lý học sinh của trường, cho biết: "Lượng hồ sơ nhà trường nhận được đến thời điểm này cũng tương đương với năm 2015, chủ yếu nộp dự tuyển vào ngành điện công nghiệp, hàn, lắp ráp...

Trong các năm 2013, 2014, đa số thí sinh đều chọn học các ngành như kế toán, tin học..., nhưng năm nay thì thí sinh đã có sự thay đổi trong lựa chọn ngành học".

Theo bà Nguyễn Ngọc Minh Nguyệt, nhiều em có điểm thi khá cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vẫn đăng ký vào trường đào tạo nghề. Điều đó cho thấy thí sinh nhận thức được nhu cầu của xã hội, cũng như khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp trường nghề.

"Học sinh và phụ huynh bây giờ dần thay đổi tư tưởng không chọn nghề theo sở thích, mà chọn nghề theo nhu cầu xã hội. Học trường nghề nhanh ra trường, tay nghề ổn định dễ tìm kiếm được việc làm", bà Nguyệt cho biết.

Em Nguyễn Ngọc Sơn (19 tuổi) quê xã Bình Khương (Bình Sơn), từ khi còn học cấp 3 đã xác định chọn học trường nghề ở quê. Hiện tại em đang chuẩn bị bước sang học năm thứ hai ngành cơ khí chế tạo của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất. Sơn chia sẻ: Biết khả năng không thể học đại học, nên em quyết học trường nghề và gia đình cũng đồng ý.

Hiện nay, các trường đào tạo nghề trong tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đạt tiêu chuẩn của khu vực. Các trường dạy nghề đang hướng đến môi trường đào tạo lao động có tay nghề cao, chuyên nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy để cung ứng đầu ra, đảm bảo việc làm ổn định cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trong chương trình học, các trường đào tạo nghề tăng cường khối lượng thực hành 80%, còn 20% cho sinh viên học lý thuyết. Như Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất được đầu tư khu thực hành, với khoảng 10 xưởng thực hành bao gồm nhiều ngành nghề như: Hàn, cơ khí, lắp ráp, chế tạo sửa chữa xe máy, ô tô, may công nghiệp...

Trường còn liên kết với các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong tỉnh để đào tạo và cung ứng theo nhu cầu nguồn công nhân kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp. Đồng thời, liên kết với các công ty ở các nước trong khu vực để sinh viên sang thực tập, lao động.
 

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 


.