Lớp học của những yêu thương

08:06, 28/06/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Ba năm qua, mỗi khi hè về, lớp học tình thương của các thầy cô giáo ở tổ 21, phường Trần Phú (TP. Quảng Ngãi) trở thành địa chỉ thân thuộc với những học trò nghèo. Nơi đây có những nhà giáo yêu nghề và có tấm lòng nhân ái cao cả đang gieo mầm tri thức cho các học trò.

TIN LIÊN QUAN

13 giờ 30 phút, mặc cho cái nắng nóng hừng hực của những ngày hè, tại Nhà văn hóa tổ 21 nằm trong một con hẻm trên đường Lê Hữu Trác, lớp học tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Yến, hiện là giáo viên của Trường THCS Bình Hiệp (Bình Sơn) phụ trách rộn ràng tiếng giảng bài.
 
Các em là những học sinh có gia cảnh nghèo khó, mồ côi, không có điều kiện để đến các lớp học hè như các bạn cùng trang lứa.
 
Trên tấm bảng đen cũ kỹ, lờ mờ, cô giáo Yến kẻ dọc một đường thẳng chia đôi, bên trái là bài tập Tiếng Anh cho 4 em học sinh lớp 6, bên phải là bài tập chia động từ cho 2 em học sinh lớp 7. Trong suốt tiết học, ánh mắt trìu mến, cô âu yếm gọi học trò bằng “con”.
 
“Dạy học xa nhà, đi lại vất vả, quanh năm đứng lớp cũng muốn ba tháng hè nghỉ ngơi, nhưng mỗi em một hoàn cảnh, em thì bố mẹ làm thuê, có em mồ côi, bố mẹ bệnh tật,… ham học mà không có tiền, hơn nữa tiếng Anh là môn đặc thù nên mình muốn khuyến khích, tạo niềm vui, hứng thú, truyền ngọn lửa đam mê để các em có nền tảng tốt hơn”- giọng xúc động, cô Yến bộc bạch.
 
 
Cô Yến đang hướng dẫn cho các em học sinh.
Một tiết học do cô giáo Yến phụ trách.
 
Cũng như cô Yến, cô Tôn Thị Ái Việt, giáo viên Trường Tiểu học Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) đã tham gia lớp học tình thương này ngay từ những ngày đầu khai giảng.
 
Tuy hoàn cảnh cô Việt không khá giả là bao, chồng không có việc làm nhưng với tấm lòng nhân ái cao, cô đã mở lớp dạy học sinh khối lớp 3 và lớp 5 ngay tại nhà. Không chỉ dạy miễn phí, hôm nào trời oi bức, cô còn vui vẻ bật điều hòa cho học trò.
 
Không có tiền thù lao cho những tiết dạy, cô Việt vẫn rất vui, vì nó đem lại cho các cháu một chỗ dựa tinh thần. Vừa học, vừa chơi cũng là giúp các cháu tới học hạn chế lêu lỏng, chơi game, những trò chơi không lành mạnh, giúp các em củng cố kiến thức đã học và lĩnh hội được những kiến thức mới. 
 
Cô Việt tâm niệm: “Sống là phải biết cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình, sẻ chia những vất vả, lo toan với học trò cũng là trách nhiệm của người thầy”.
 
Còn nhớ cái ngày cách đây ba năm về trước, tổ dân phố họp có trăn trở việc nhiều em con nhà nghèo, mồ côi không có điều kiện đến các lớp học thêm nên kết quả học tập kém, trong khi tổ lại có lực lượng giáo chức và cựu giáo chức “hùng hậu”. 
 
 
Em Trần Bạch Đạt Nhân
Em Trần Bạch Đạt Nhân theo học tại lớp học này đã 2 năm.

 

Chính điều đó đã thôi thúc ông Cao Xuân Vinh- Tổ trưởng tổ dân phố 21 đứng ra kêu gọi các thầy, cô giáo mở các lớp học tình thương vào dịp hè. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, ông Vinh và các thầy cô giáo đã đến từng nhà vận động các em tới lớp và lớp học tình thương hình thành từ đấy. Đến nay có gần 50 học sinh TH và THCS theo học các lớp của hơn 10 thầy, cô giáo trong tổ.
 
Thấu hiểu tình cảnh khốn khó của học trò nghèo, từ ngày mở lớp học tình thương, ông Vinh và các thầy cô giáo vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trang thiết bị dạy học, trao học bổng, góp tiền sắm từng quyển vở, cây bút, quyển sách cho học trò.
 
Ban đầu, chỉ là vài cái bàn cũ kỹ, tạm bợ, giờ lớp học đã khang trang. Thâu nhận tất cả học sinh có nguyện vọng đến lớp nên hè về, lượng học sinh đến học mỗi năm một đông hơn, điều ấy cũng khiến các thầy cô giáo vui hơn.
 
Trong số ấy cậu học trò Trần Bạch Đạt Nhân năm nay lên lớp 6 có hoàn cảnh rất đáng thương. Ba Nhân bị tai nạn qua đời lúc lúc em chỉ mới lên 2 tuổi. Năm em lên lớp 2 mẹ nằm liệt gường cũng vì tai nạn giao thông. Cuộc sống gia đình dồn lên đôi vai người chị chưa đầy 16 tuổi của Nhân. 
 
Nhắc đến những cô cậu học trò mà mình theo suốt 3 năm qua, cô Yến chia sẻ: “Khi nhìn lại những công việc đã và đang làm, tôi cũng như các thầy cô giáo xem đây không phải là một gánh nặng, một nhọc nhằn mà là niềm vui, là bổn phận và trách nhiệm của người thầy giáo với thế hệ trẻ”.
 
Không chỉ dạy tri thức, các thầy cô còn dạy học trò nhiều bài học về cuộc sống. Với họ, hành trình gieo mầm tri thức sẽ còn tiếp tục khi họ vẫn còn đủ sức khỏe. Tin rằng, tình thương ấy sẽ đâm chồi nảy lộc và kết trái ân tình.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.