(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, Quảng Ngãi bắt đầu khởi động cho một giai đoạn phát triển mới, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Đây cũng là thách thức cho giới công nhân, người lao động Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (2015 - 2020) đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Mục tiêu đó cũng đồng nghĩa với việc phải hướng giảm tỷ lệ lao động (LĐ) trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ LĐ công nghiệp và dịch vụ. Theo đó, tỷ lệ LĐ nông nghiệp/tổng số LĐ xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2020 là còn khoảng 40%. Được biết, đến hết năm 2015, tỷ lệ LĐ trong nông nghiệp toàn tỉnh còn trên 47%.
DN khát nguồn nhân lực chất lượng
Lực lượng LĐ của tỉnh hiện có hơn 730 nghìn người. Số người có việc làm nhiều nhưng phần lớn là LĐ phổ thông, trình độ tay nghề không cao. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu LĐ của các DN tại các KCN trong năm 2016 khoảng 10.000 người. Riêng KCN VSIP khoảng 3.000 lao động. Với xu thế phát triển của khoa học, công nghệ nhanh như hiện nay đòi hỏi người LĐ phải có sự chuyển dịch từ LĐ phổ thông sang LĐ kỹ thuật. Thực tế đó đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề phải chủ động thay đổi phương thức tuyển sinh, nội dung đào tạo để cho ra lò ngày càng nhiều LĐ có tay nghề, kỹ thuật cao.
Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất. |
Nhiều năm qua, tình trạng thiếu LĐ có tay nghề vẫn thường xuyên xảy ra ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Hải - Giám đốc Công ty TNHH May Vinatex Tư Nghĩa, nói: Nghề may mặc có lợi thế trong việc tuyển dụng LĐ vì ít chịu sự cạnh tranh, song số LĐ được tuyển dụng phần đông có tay nghề còn thấp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao, nên công ty phải tổ chức đào tạo lại.
Là một trường nghề có uy tín của tỉnh, Trường Trung cấp Nghề Quảng Ngãi mỗi năm cho ra trường gần 1.000 công nhân để bổ sung nguồn nhân lực cho các DN. Tuy nhiên, theo ông Võ Đình Tá - Hiệu trưởng nhà trường thì nguồn nhân lực đó vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho DN, đặc biệt là LĐ có tay nghề, trình độ kỹ thuật. Thực tế hiện nay, không chỉ DN lớn mà các DN, cơ sở dịch vụ vừa và nhỏ cũng rất cần LĐ qua đào tạo.
“Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục khảo sát thực trạng nhu cầu sử dụng nhân lực qua đào tạo nghề nhằm xây dựng kế hoạch, ngành nghề đào tạo cho phù hợp với yêu cầu sử dụng nhân lực của các DN trên địa bàn tỉnh và nhu cầu học nghề của lao động xã hội. Mục tiêu là cung ứng 20.000 - 25.000 lao động/năm cho lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ”. Ông NGUYỄN DUY NHÂN - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. |
Hướng đến chuẩn hóa tay nghề người lao động
Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý, được đầu tư để trở thành 1 trong 3 trường trọng điểm của quốc gia trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Trường được Viện Phát triển kỹ năng nghề Cheang Seng (Thái Lan) hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giáo viên; hợp tác với các đơn vị đào tạo của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo... Theo ông Nguyễn Hồng Tây – Hiệu trưởng nhà trường, sự đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Vì thế, nhà trường tiếp tục tạo mối liên kết với DN để đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, có chất lượng. Từ khi thành lập đến nay trường đã đào tạo khoảng 15.000 học sinh, sinh viên; 90% sau đào tạo có việc làm từ việc trường ký kết các biên bản ghi nhớ với DN.
Năm 2013, Chính phủ Pháp đã lựa chọn đầu tư trường trở thành trường cao đẳng chất lượng cao của Việt Nam. Dự án đến nay đã hoàn thành cơ bản các hạng mục nhà xưởng, máy móc thiết bị, chuyển giao chương trình dạy nghề và đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Hiện nay dự án đang gấp rút hoàn thành để khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 10.2016. Đây cũng là niềm hy vọng, để đưa chất lượng đào tạo nghề ở Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn mới.
Đến cuối năm 2015, Quảng Ngãi có khoảng 40 trường dạy nghề và cơ sở dạy nghề. Có 5 trường nghề được Bộ LĐ-TB&XH đưa vào Dự án đầu tư 16 nghề trọng điểm, trong đó có 3 nghề đạt trình độ tiên tiến khu vực Đông Nam Á; 6 nghề đạt trình độ quốc tế và 7 nghề đạt trình độ quốc gia. Việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình, giáo trình đã từng bước chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học nghề của người LĐ. Hiện tại, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã liên kết chặt chẽ với DN để thực hiện việc đào tạo theo địa chỉ.
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những mục tiêu hướng tới, nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực đón đầu, xứng tầm với sự phát triển trong tương lai. Hơn nữa, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, nguồn cung LĐ của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu của DN đầu tư vào tỉnh, mà còn phải từng bước vươn lên đủ sức cạnh tranh với cả khu vực. Chính vì thế, đào tạo nghề phải thực hiện theo kiểu đặt hàng, đón đầu sự phát triển là nhu cầu cấp bách.
Bài, ảnh: VŨ YẾN