Chủ động đào tạo bác sĩ cho tuyến y tế miền núi: Một cách làm sáng tạo

09:02, 11/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, việc thu hút bác sĩ về các huyện nghèo công tác gặp nhiều khó khăn. Trong 5 năm qua, số lượng bác sĩ về công tác tại các huyện miền núi chỉ chiếm từ 5 - 10%. Vì thế, các Trung tâm Y tế đã chủ động cử cán bộ đi đào tạo lên bác sĩ để thực hiện tốt công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Cách đây 5 năm, người dân huyện miền núi Minh Long cần điều trị bệnh về răng miệng thì phải xuống bệnh viện tuyến tỉnh, do Trung tâm Y tế huyện thiếu bác sĩ Răng- Hàm- Mặt. Tuy nhiên, đến năm 2015 thì đã có bác sĩ chuyên khoa răng Huỳnh Thị Đào. Bác sĩ Đào được Trung tâm Y tế huyện cử đi đào tạo tại ĐH Y Dược Huế. Hiện trung tâm đã thành lập Khoa Răng-Hàm- Mặt. “Khi được đào tạo bài bản về chuyên môn và được Trung tâm trang bị đầy đủ phương tiện, chúng tôi đã thực hiện được các bệnh về răng miệng, như nhổ răng trẻ em, nhổ răng người lớn, điều trị nha chu, cạo men răng… nên hạn chế được tình trạng chuyển bệnh nhân xuống tuyến tỉnh”, bác sĩ Huỳnh Thị Đào vui mừng nói.

Bác sĩ Huỳnh Thị Đào Trung tâm Y tế huyện Minh Long điều trị răng cho bệnh nhân.
Bác sĩ Huỳnh Thị Đào Trung tâm Y tế huyện Minh Long điều trị răng cho bệnh nhân.
“Hiện nay, Bộ Y tế đã triển khai thông tuyến khám chữa bệnh BHYT nên việc các Trung tâm y tế huyện miền núi tự nỗ lực đào tạo nhân lực, cải tiến công tác khám, chữa bệnh là yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Có vậy mới thu hút bệnh nhân đến điều trị, tránh trường hợp bệnh nhân dồn về các bệnh viện tuyến huyện đồng bằng”.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng- Phó Giám đốc Sở Y tế nói.

Phòng bó bột của Trung tâm Y tế huyện Minh Long cũng hoạt động trở lại sau gần 5 năm đóng cửa do không có bác sĩ. Tại đây, các kỹ thuật bó bột khi gãy xương cho bệnh nhân được triển khai như: Gãy xương vai, xương chân... Trung bình mỗi ngày, phòng tiếp nhận và điều trị cho gần 10 bệnh nhân. Bác sĩ Trần Việt Quốc, cho biết: “Ở đây, số người bị bệnh do tai nạn lao động rất nhiều. Các  trường hợp bị trật xương khớp, gãy tay đơn giản đều có thể điều trị, giúp bà con đỡ phải xuống tỉnh điều trị tốn kém”. Trung tâm Y  tế huyện có quy mô 50 giường bệnh. Năm năm qua, trung tâm đã cử đi đào tạo 12 bác sĩ và tất cả đã về công tác, nâng tổng số bác sỹ hiện đang làm việc tại trung tâm lên 17 người. Số bác sĩ trạm y tế xã cũng đã được lấp đầy và có 60% trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Ngoài ra, Trung tâm còn cử đi đào tạo gần 10 kỹ thuật viên về cận lâm sàng, X quang và cử nhân điều dưỡng… “Chúng tôi đang thiếu bác sĩ có trình độ chuyên khoa sâu về ngoại và hồi sức cấp cứu. Năm 2016 trở đi sẽ đào tạo thêm 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, sản, ngoại và khoa nhi, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn, tạo niềm tin cho người bệnh”, bác sĩ Đinh Thị Mai Hương nói.

Trong 5 năm qua, hầu hết các huyện miền núi trong tỉnh đều nỗ lực tự đào tạo hàng chục bác sĩ để về phục vụ công tác y tế tại vùng khó. Đây là điều kiện cần thiết để tuyến y tế cơ sở miền núi chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bà Đặng Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết: Trước việc gặp khó trong công tác thu hút bác sĩ về công tác, chúng tôi phải chủ động đào tạo nhân lực phục vụ tại chỗ. Tính đến nay, Trung tâm đã đào tạo 9 bác sĩ chuyên khoa I, 1 bác sĩ chuyên khoa II, 3 cử nhân, 6 bác sĩ chuyên khoa I gia đình và hiện đang đào tạo 1 bác sĩ gây mê hồi sức; 2 bác sĩ y học cổ truyền. Còn tại Trung tâm y tế huyện miền núi Tây Trà, khi mới thành lập, trung tâm chỉ có 3 bác sĩ, đến nay thì đã tự đào tạo được 6 bác sĩ tuyến huyện và 7 bác sĩ tuyến xã. Ở Sơn Hà, trong 5 năm qua đã đào tạo được 13 bác sĩ, nâng tổng số bác sĩ các tuyến y tế trên địa bàn lên 37 bác sĩ.

     

Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.