Game online lên vùng cao: Trường học lo

09:03, 07/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, các trò chơi điện tử (game online), một loại hình giải trí tác động xấu đến giới trẻ, đặc biệt là học sinh đang “leo núi, vượt đồi” lên vùng cao, khiến các trường học như ngồi trên đống lửa, bản làng bất an.

TIN LIÊN QUAN

Trộm cắp vì mê game
 
Đồng bào vùng cao vốn dĩ là những người thật thà, chân chất, việc trộm cắp xưa nay được xem là một trong tội. Bởi thế mà vụ việc em PVT, học sinh Trường PTDT Bán trú- THCS xã Ba Xa (Ba Tơ) trộm máy tính xách tay của giáo viên đi bán lấy tiền “đốt” vào thế giới ảo là sự việc gây “chấn động” 
 
Hơn 1 năm nay, kể từ khi nơi đây mọc lên hai tiệm internet cũng là lúc bản làng vùng cao bất an. Do ham chơi game, T đã nhiều lần ăn cắp tiền của bố mẹ để chơi game. Đến khi không trộm được tiền của bố mẹ ữa, T đã cậy cửa lấy cắp máy tính xách tay của giáo viên mang ra xã Ba Vì bán lấy tiền chơi game.
 
Người mua cũng là giáo viên nên khi bật máy tính lên, người này phát hiện trong máy có rất nhiều tài liệu, giáo án liên quan đến dạy học nên sự việc bị phát giác.
 
Việc mê game không chỉ là vấn nạn với học sinh đồng bằng mà cả học sinh miền núi.
Việc mê game không chỉ là vấn nạn với học sinh đồng bằng mà cả học sinh miền núi.
 
Trước hành vi trên, chính quyền địa phương đã kiểm điểm trước dân đối T và cảnh báo cảnh báo người dân, các bậc phụ huynh nơi đây về những tác hại  khôn lường từ việc nghiện game đang xâm nhập trong tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay. 
 
Với giáo viên vùng cao, trồng người đã gian nan, nhọc nhằn, việc “giữ chân” học sinh càng khó gấp nhiều lần. Học sinh bỏ học, học giã gạo luôn là nỗi ám ảnh với giáo viên vùng cao. Những năm qua, nhờ có các chính sách hỗ trợ, xây dựng trường học bán trú mà tình trạng học sinh bỏ học, học giã gạo đã giảm rõ rệt, giáo viên chưa kịp mừng thì nay “bão game” lại đến.
 
Nhà trường lo lắng, phụ huynh bức xúc
 
Bà Phạm Thị Lế, ở thôn Mang Cà Rá bức xúc: “Xưa nay bà con chúng tôi sống yên ổn, không ai trộm cắp, cướp giật của ai bao giờ, từ khi có game này về là nhiều chuyện xảy ra. Mấy cháu học sinh mê, bỏ học bỏ hành, sinh ra trộm cắp, ở nhà thì bảo với ba mẹ đi học, nhưng không đến trường mà đi chơi game, thầy cô đến tận nhà vận động chúng tôi mới biết. Nếu không đi học mà bỏ chơi game thì tôi cho nghỉ học ở nhà lên rẫy”.
 
“Cho nghỉ học”, giáo viên thấy “sợ” vì người vùng cao “nói và làm” luôn đi đôi. Khổ cho giáo viên phải đi mòn đường để vận động, khuyên nhủ phụ huynh cho các em trở lại trường.

Từ ngày có tiệm internet mọc lên, học sinh của Trường dù ở bán trú, nhưng vẫn thường xuyên trốn học chơi game. Có lớp một buổi học đến 10 em bỏ tiết, đỉnh điểm là vụ việc em T.

Thầy Nguyễn Duy Bắc- Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú- THCS Ba Xa trần tình: “Nói ra, nhiều người bảo mình quản lý không chặt chứ trường không có tường rào, cổng ngõ nên hết tiết là học sinh lại “chuồn”, giáo viên không tài nào giữ được. Chúng tôi khuyên nhủ đủ điều, nhưng game như “ma lực” có sức hút mãnh liệt nên nhiều em vẫn trốn học đi chơi”.
 
Không chỉ tại ngôi trường này mà ở hầu hết các trường học ở vùng cao, game online đang trở thành nỗi “ám ảnh” của chính quyền địa phương, nhà trường và nhân dân. 
 
Tại huyện Tây Trà, các trường nằm ở trung tâm và gần trung tâm huyện, nơi điều kiện đến trường không quá khó khăn lại là những trường có số lượng học sinh bỏ học, học giã gạo, nhất là sau Tết nhiều hơn hẳn các trường xa xôi hẻo lánh.
 
Theo lãnh đạo các trường, học sinh học giã gạo chủ yếu là các em ham chơi chứ hiện nay những em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng nhiều chế độ, chính sách và được ở bán trú nên trường hợp bỏ học do hoàn cảnh rất ít. Trước khi vào lớp, giáo viên phải "kiêm" nhiệm vụ chạy dọc các con đường vào quán game gọi học sinh đi học. 
 
Bức xúc và lo lắng cho con em cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chính quyền các địa phương đã nhiều lần đến tận nhà chủ tiệm khuyên không “tiếp” khách hàng là học sinh, chỉ cho chơi các trò game thông thường, không cho chơi game online, không vì một cá nhân mà ảnh hưởng tới tương lai của con em, nhưng nghẹt là họ được cấp phép kinh doanh theo luật. 
 
“Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền can thiệp vào chuyện này. Biết là theo luật là thế, nhưng cần phải nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp với đặc thù miền núi. Phụ huynh bảo nếu chơi game sẽ cho nghỉ học, còn với học sinh, nếu giáo viên “mạnh tay”, học sinh sẽ bất mãn mà bỏ học luôn, vì thế lãnh đạo địa phương rất lo lắng cho tình hình học tập của con em.”- ông Phạm Văn Tim, Chủ tịch UBND xã Ba Xa bày tỏ.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.