(Báo Quảng Ngãi)- Với mục tiêu đào tạo gắn với việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất đã trở thành “lò” đào tạo chất lượng cung ứng nhân lực cho KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh. Đặc biệt, trường đã được chính phủ Pháp lựa chọn đầu tư thành trường cao đẳng chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Pháp ở Việt Nam.
Đào tạo theo nhu cầu
Nằm ở trung tâm khu đô thị Vạn Tường, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất được xây dựng trên diện tích 16,6ha, với đầy đủ các khu chức năng như khu học lý thuyết, xưởng thực hành, giảng đường, thư viện, hội trường, ký túc xá 1.800 chỗ, sân bóng đá cỏ nhân tạo... với tổng kinh phí đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
Giảng viên Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất sáng chế, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào giảng dạy. |
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường xây dựng chương trình dạy nghề trên cơ sở phân tích nghề, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đặc biệt là có sự tham gia định hướng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Chương trình dạy nghề thể hiện rõ mục tiêu của trường, quy định cụ thể chuẩn kiến thức, kỹ năng, cấu trúc, nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo; đồng thời có tính liên thông trực tiếp giữa các trình độ.
Hiện nay, trường đang đào tạo 2.330 học viên, học sinh sinh viên, trong đó có hơn 1.500 học viên trình độ sơ cấp nghề thuộc diện lao động nông thôn được trường liên kết đào tạo để cung ứng cho Công ty sản xuất Giày King Riches Đài Loan (ở Khu công nghiệp VSIP). Năm 2013, trường đã ký hợp đồng cung ứng cho Công ty Giày King Riches 3.000 nhân lực, hiện đã cung ứng được 1.650 lao động và dự kiến đến tháng 8.2016 sẽ bàn giao hết số lao động này cho King Riches. Phần lớn số lao động này là con em nhân dân thuộc vùng dự án VSIP, trong đó có khoảng hơn 200 em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học các trường khác nhưng không xin được việc, nên tìm về Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất học 3 tháng để làm việc tại Công ty Giày King Riches.
Bên cạnh đó, trường được Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản JAICA hỗ trợ huấn luyện thực tập sinh (hệ cao đẳng kết thúc năm thứ hai và sau khi tốt nghiệp) tại Nhật Bản. Sau 2-3 năm thực tập, đơn vị phía Nhật Bản sẽ giới thiệu cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam, ưu tiên làm việc tại KKT Dung Quất. Trong năm 2015, trường đã đưa khoảng 100 học viên, nhất là các em trong vùng dự án sang thực tập sinh tại Nhật Bản. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để bổ sung cho các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất trong thời gian tới.
Sau hơn 14 năm hoạt động, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất đã đào tạo và cung ứng hơn 12.700 nhân lực cho thị trường lao động, trong đó có khoảng 10.000 nhân lực làm việc ở các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất. Năm 2013 trường được VSIP Quảng Ngãi chọn là nơi đào tạo, cung ứng nhân lực cho các khách hàng của đơn vị. Và từ năm 2014 đến nay đã đào tạo, cung ứng hơn 2.000 nhân lực cho các khách hàng của VSIP như: Công ty Xidadong, King Riches, URC... |
Triển vọng phát triển
Sau khi KKT Dung Quất được chọn là một trong 5 khu kinh tế ven biển được Chính phủ quan tâm đầu tư đặc biệt, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Dung Quất đã được Bộ LĐ-TB&XH chuyển sang quản lý trực tiếp (thay vì thuộc quản lý của Tổng cục Dạy nghề), để đầu tư trở thành 1 trong 3 trường trọng điểm của quốc gia trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Và theo đó, từ năm 2008 đến nay tổng vốn đầu tư của trường đã tăng lên gấp đôi. Trước đây, trường được Ban Quản lý KKT Dung Quất đầu tư 150 tỷ đồng thì hiện nay đã được đầu tư 300 tỷ đồng. Sắp tới trường sẽ đầu tư phát triển Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề, Trung tâm huấn luyện an toàn lao động của khu vực... Ngoài ra, trường còn được Viện Phát triển kỹ năng nghề Cheang seng (Thái Lan) hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giáo viên; hợp tác với các đơn vị đào tạo của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Cùng với đó, chính phủ Pháp đã lựa chọn đầu tư ngôi trường này trở thành trường cao đẳng chất lượng cao của Việt Nam. Dự án triển khai trong 4 năm (2013-2016), đến nay đã hoàn thành cơ bản các hạng mục như: Nhà xưởng, máy móc thiết bị, chuyển giao chương trình dạy nghề và đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Hiện các chuyên gia của Pháp và nhà thầu Việt Nam đang gấp rút hoàn thành để khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 10.2016.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây cho biết thêm, hiện nay nhà trường đang tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp, để đến năm 2020 trở thành trường cao đẳng chất lượng cao của quốc gia theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đó là, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề và phương pháp giảng dạy; chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề; tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; phát triển hợp tác quốc tế về dạy nghề; nâng cao quản lý và điều hành.
Bài, ảnh: P.DANH