(Báo Quảng Ngãi)- Đối với học sinh miền núi, có một góc học tập tại nhà là điều quá xa xôi, nhưng ở huyện vùng cao Ba Tơ, sau 2 năm triển khai phong trào xây dựng “Góc học tập” tại nhà thì giấc mơ này đã thành hiện thực.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau 4 tiết học trên trường, chúng tôi theo chân em Phạm Thị Ngước - lớp 9, Trường THCS Ba Lế về nhà em ở thôn Bãi Lế. Vừa về đến nhà, em vội cất cặp sách và giới thiệu cho chúng tôi xem góc học tập nhỏ xinh của mình. Ở đấy có bàn, ghế và chiếc đèn bàn với cặp, sách vở được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng trên chiếc bàn gỗ. Vừa nhanh tay soạn sách vở, Ngước vừa trò chuyện: “Góc học tập này đã gắn bó với em hơn 1 năm rồi.
Góc học tập tại nhà của một em học sinh Trường THCS Ba Lế. |
Ngày trước em không có chỗ để sách vở nên chỉ biết để một góc nhà, sách vở thường xuyên bị mất và thấm nước. Còn việc học bài ở nhà cũng rất khó khăn, vì nhà chỉ có một bóng đèn mờ mờ, nên vừa cầm sách vào giường là đã buồn ngủ rồi nên em ít khi ôn bài, làm bài tập. Từ ngày có góc học tập, em rất vui”. Chuyện học trước kia của Ngước cũng là hoàn cảnh của nhiều học sinh vùng cao gặp phải, khi điều kiện kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn.
Đối với học sinh vùng cao, con đường đến trường đã gập ghềnh, khó nhọc lại không có điều kiện để học tập ở nhà dễ gây tâm lý chán học. Hơn nữa, người đồng bào không có thói quen tạo góc học tập cho con trẻ và còn xem nhẹ cái chữ, tri thức nên việc đeo đuổi con chữ của các em lại càng khó khăn hơn. Vậy nên, năm 2013 khi Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ mang đến “Góc học tập” cho học sinh vùng cao được xem là bước ngoặt quan trọng, mang nhiều ý nghĩa thiết thực đối với việc cải thiện, nâng cao ý thức học tập của phụ huynh, học sinh nơi đây.
Từ tháng 11.2013 đến tháng 7.2014, Phòng GD&ĐT huyện đã hỗ trợ hơn 550 “Góc học tập” cho học sinh là người dân tộc thiểu số của 11 trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Ngoài việc xây dựng góc học tập, các thầy cô từng trường còn đến từng nhà, phân tích những ích lợi của việc xây dựng góc học tập và động viên phụ huynh quan tâm, thường xuyên nhắc nhở con em mình trong chuyện học tập. Ông Nguyễn Văn Tuấn- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ, cho biết: “Việc học không chỉ ở trên trường và phụ thuộc hoàn toàn vào thầy cô mà nó là cả một quá trình, phải rèn luyện, trau dồi thường xuyên. Học trò không thể giỏi nếu chỉ học trên trường mà không lo ôn bài, làm bài tập ở nhà nên cha mẹ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Việc xây dựng góc học tập là một trong nhiều giải pháp góp phần thay đổi nhận thức việc học và nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi”.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện phong trào này, từ 50 góc học tập ban đầu dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn, nay đại đa số các em học sinh Trường THCS Ba Lế đã có góc học tập cho riêng mình. Nhờ sự vận động của giáo viên và chính người dân đã thấy được những ích lợi mà góc học tập mang lại, nên nhiều gia đình có con em học khóa sau đã học hỏi, tạo góc học tập cho con em mình. Nhờ thế mà phong trào xây dựng “Góc học tập” tại nhà ngày càng được phổ biến sâu rộng. Thầy Nguyễn Mậu Hải– Hiệu trưởng Trường THCS Ba Lế cho biết: Phong trào xây dựng “Góc học tập” là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực tự học của học sinh. Phong trào này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường, thành tích học tập của các em ngày càng được cải thiện, như năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh khá chiếm 11,5% thì năm học 2014-2015, chiếm hơn 24%.
Bài, ảnh: HIỀN THU