Đề án 1956 đã đào tạo nghề cho 28.770 lao động nông thôn

01:12, 16/12/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 16.12, Sở LĐ TB&XH tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công tác truyền thông và trao đổi thông tin về tình hình thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2015, kế hoạch năm 2016.

TIN LIÊN QUAN

Tham dự buổi có đại diện các cơ quan thông tấn báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các Đài Truyền thanh và Phát lại truyền hình ở các huyện, thành phố.

Ngay sau khi Đề án 1956 có hiệu lực, báo chí với vai trò tiên phong trong lĩnh vực tuyên truyền đã chủ động xây dựng kế hoạch thường xuyên, kịp thời thực hiện các phóng sự, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền đưa các chế độ, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào cuộc sống.

Nhờ đó, Đề án 1956 đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Qua 5 năm triển khai Đề án đã có 28.770 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó khoảng 80% số lao động sau đào tạo được nâng cao tay nghề, tự tạo việc làm, có việc làm mới và tham gia xuất khẩu lao động. Số hộ thoát nghèo đến năm 2105 gần 900 hộ, hơn 1.000 người có thu nhập khá.

 

Một lớp học làm chổi đót.
Một lớp học làm chổi đót.


Những mô hình phát huy hiệu quả, được chính quyền và lao động nông thôn phấn khởi đón nhận như: Thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư, thuyền viên, điện công nghiệp, may công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật chế biến món ăn...

Tuy nhiên, công tác truyền thông vẫn còn hạn chế, rộng, nhưng chưa sâu. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người lao động chưa hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, chính sách, ý nghĩa của Đề án. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở một số địa phương còn thấp.

Có nơi trung tâm dạy nghề xây dựng đến 30 tỷ, hoành tráng, nhưng chưa phát huy hiệu quả, chiêu sinh không được, học viên không đi học, cơ sở vật chất xuống cấp, gây lãng phí.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Duy Nhân- Giám đốc Sở LĐ TB&XH mong muốn thời gian đến, các cơ quan thông tấn báo chí tích cực hơn nữa, xây dựng chuyên trang, chuyên mục với hình thức đa dạng, phong phú tiếp tục tuyên truyền về Đề án 1956.

Trong đó, tuyên truyền về kiến thức, ngành nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề hiệu quả phù hợp với thực tế tại địa phương, các gương điển hình về phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập sau học nghề để người dân biết, học hỏi kinh nghiệm và tham gia học nghề một cách chủ động, tích cực.

 

Tin, ảnh: Ái Kiều


.