Xuất khẩu lao động: Đồng bằng nhộn nhịp, miền núi thưa vắng

06:11, 12/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.391 người tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao trong năm 2015 (giao 1.400 lao động). Tuy nhiên, lực lượng lao động tham gia XKLĐ chủ yếu vẫn là ở vùng đồng bằng, vùng biển, còn ở 6 huyện miền núi số lượng rất ít.

TIN LIÊN QUAN

Đồng bằng đạt chỉ tiêu

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hiện có nhiều lớp học đào tạo tiếng Nhật cho lao động chuẩn bị XKLĐ đang được triển khai. Học viên Nguyễn Thanh Viên, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: “Tôi đã học xong cao đẳng nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp. Thấy trong thôn có nhiều người đi XKLĐ về có được nguồn vốn phát triển kinh tế nên tôi cũng thử tìm hiểu thông tin tại website của Trung tâm rồi đăng ký đi Nhật Bản. Giờ tôi đang cố gắng học tiếng Nhật để có thể giao tiếp và làm tốt công việc trong thời gian đi lao động với mong muốn có thu nhập ổn định”.

Lớp học tiếng Nhật cho lao động tham gia XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Lớp học tiếng Nhật cho lao động tham gia XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.


Thực tế cho thấy, lao động ở vùng đồng bằng, ven biển tỉnh ta tham gia XKLĐ rất cao. Theo chỉ tiêu vận động lao động tham gia XKLĐ trong năm 2015 của UBND tỉnh, huyện Bình Sơn được giao chỉ tiêu 250 lao động (cao nhất so với 14 huyện, thành phố trong tỉnh), nhưng đến nay đã vượt chỉ tiêu. Nhiều xã trong huyện có phong trào tham gia XKLĐ rất mạnh, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Các huyện, thành phố khác trong tỉnh như TP. Quảng Ngãi (chỉ tiêu 200 lao động), Đức Phổ (150 lao động), Tư Nghĩa (160 lao động)... cũng đã và đang hoàn thành chỉ tiêu.
 

Cần tạo niềm tin cho người lao động miền núi

Để hoạt động XKLĐ nói chung và XKLĐ theo Quyết định 71/CP của Thủ tướng Chính phủ nói riêng ở các huyện miền núi đạt kết quả cao hơn, trong thời gian tới ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù ở các huyện miền núi. Đồng thời, phải có biện pháp nhằm hướng người lao động miền núi đến với các thị trường nước ngoài có tính ổn định về chính trị - kinh tế, tạo niềm tin cho người lao động.

Ông Võ Duy Yên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: Thông qua các kênh tìm việc của Trung tâm, đến nay có gần 500 lao động đã tham gia XKLĐ, thực tập sinh và chương trình vừa học vừa làm tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, CHLB Đức… Tuy nhiên, phần lớn các lao động này đến từ các huyện đồng bằng và ven biển.
 

Miền núi hẫng hụt

Trái ngược với sự “nhộn nhịp” ở các huyện đồng bằng, ven biển, công tác XKLĐ ở 6 huyện miền núi tỉnh ta vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Năm nay, cả 6 huyện miền núi được giao chỉ tiêu 360 lao động tham gia XKLĐ nhưng đến tháng 10 chỉ mới có 56 lao động  tham gia XKLĐ. Như huyện Sơn Hà, mặc dù công tác vận động, tuyên truyền XKLĐ được huyện rất quan tâm, nhưng đến nay có đến 7/14 xã, thị trấn không có lao động nào tham gia, trong khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở mức cao, thiếu việc làm diễn ra thường xuyên.

Giải thích cho sự “ảm đạm” của công tác XKLĐ ở miền núi, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH tỉnh) cho biết: Thị trường Malaysia được Bộ LĐ-TB&XH định hướng là thị trường cho lao động miền núi. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này không còn thu hút vì mức lương bằng hoặc thấp hơn so với thu nhập của người lao động trong nước.

 Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị, thiên tai tại một số nước và số lao động đã về nước phản ánh không đúng sự thật đã gây tâm lý hoang mang cho người lao động. Không chỉ vậy, lao động ở các huyện miền núi luôn muốn được XKLĐ ở những thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng chất lượng lao động, trình độ dân trí, sức khỏe của số lao động này chưa đáp ứng được yêu cầu… Từ những nguyên nhân trên đã khiến cho người lao động miền núi ít có cơ hội với XKLĐ như những năm trước đây.
   

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.