Thầy giáo người H'rê hết lòng với học sinh

09:11, 25/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Với sự tâm huyết, chịu khó tìm tòi, học hỏi, thầy Đinh Văn Hoàng- giáo viên Trường THCS&THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) đã mạnh dạn áp dụng E- Learning (giáo án điện tử), mang đến cho học sinh “luồng gió mới”, tạo hứng thú trong bài dạy.

TIN LIÊN QUAN

Học sinh vùng khó hào hứng với E- Learning

Đã mấy chục năm rồi, nhắc đến giáo dục vùng cao, bất kỳ ai cũng nghĩ đến những gian nan, vất vả, khó khăn, thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Nay trực tiếp chứng kiến giờ dạy môn Vật lý mang chất VNEN (mô hình trường học mới) của thầy Hoàng, chúng tôi đã thực sự thay đổi cách nghĩ.

 
Một tiết dạy theo VNEN tích hợp với E- Learning của thầy Hoàng.
Một tiết dạy theo VNEN tích hợp với E- Learning của thầy Hoàng.
 
Cũng là tiết học ấy, học sinh ấy, bàn ghế ấy, phòng học ấy, nhưng cách sắp xếp lại mới. Một lớp chia thành 4 nhóm, các em ngồi xoay mặt vào nhau chăm chú nhìn lên máy chiếu nghe thầy giảng với hình ảnh minh họa trực quan, sinh động. Giáo viên đưa ra vấn đề, học sinh mạnh dạn phát biểu, trao đổi lẫn nhau để giải quyết vấn đề, tiết học sinh động hẳn lên.
 
Thầy Hoàng bộc bạch: “Làm giáo viên không chỉ mang kiến thức đến với học sinh mà phải tự đổi mới chính mình, phải luôn trau dồi, học hỏi để tìm ra cái mới phục vụ công tác giảng dạy, giúp các em vui, hứng thú, dễ tiếp thu kiến thức”.
 
Cô Đinh Thị Phương- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng điều đáng quý ở  thầy Hoàng là “chịu khó” học hỏi, gương mẫu đi đầu nên trường đã không ngần ngại phân công chủ nhiệm lớp 12 và tổ trưởng bộ môn Vật lý.
 
Với trách nhiệm là Tổ trưởng bộ môn, chủ nhiệm lớp 12, phụ trách môn học chính và  nhận thức không đổi mới sẽ tụt lùi, thầy Hoàng đã đi đầu trong việc áp dụng e-Learning, chủ động học hỏi từ các đồng nghiệp, tự mày mò phương pháp xây dựng bài giảng E- Learning.

Thầy cũng không ngần ngại đăng ký các giải pháp, sáng kiến và dự thi từ cấp trường đến cấp Sở về đổi mới phương pháp dạy học bằng việc tích hợp VNEN và e- Learning vào bài giảng với chủ đề “Luyện giải bài tập cho học sinh yếu kém môn Vật lý 12 cơ bản”.

Để làm được điều ấy, thầy Hoàng đã tốn rất nhiều thời gian lên mạng tìm đọc các tài liệu hướng dẫn cách sử dụng các phần mềm bổ trợ, phần mềm thí nghiệm ảo để soạn bài giảng e-Learning, trình chiếu Powerpoint, tương tác thông minh nhằm giúp học sinh khắc sâu kiến thức bài giảng.
 
“Để chuẩn bị cho tiết học, mất nhiều thời gian hơn cho việc soạn giảng, chủ đề thảo luận, nhưng cái mình gặt hái được là học sinh hào hứng, lôi cuốn học sinh chú ý nghe giảng, ngay cả những em yếu cũng mạnh dạn trao đổi. Cái ấy với học sinh vùng khó khăn rất cần, vì khi thấy học hứng thú các em mới ham đến trường”- thầy Hoàng chia sẻ.

Em Đinh Thị Hồng Vân- học sinh lớp 12C3 hào hứng: “Học sinh chúng em ở miền núi nên điều kiện tiếp cận với máy tính, công nghệ thông tin khó khăn nên em rất thích được học các bài giảng e-Learning của thầy Hoàng vì chúng dễ hiểu, tạo hứng thú cho chúng em hơn là phương pháp dạy học truyền thống”.

“Khắc tinh” của học sinh học "giã gạo", bỏ học

Bảy năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, năm năm gắn bó với mái trường THPT Minh Long và hai năm trồng người dưới mái trường THCS&THPT Phạm Kiệt, không những đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, thầy Hoàng còn được các thầy cô giáo nể phục, mệnh danh là “khắc tinh” của học sinh học "giã gạo", bỏ học.

Lớp thầy Hoàng chủ nhiệm luôn đảm bảo sỉ số học sinh, đến những học sinh “cứng đầu” nhất, nhiều thầy cô giáo “bó tay”, thầy Hoàng vẫn “dụ” được các em đến trường.

Mới đây nhất là trường hợp của em Đinh Văn Thanh Hà, học sinh lớp 11B2, ở thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ nghỉ học đã 3 tuần và bỏ đi chơi biền biệt, với đám bạn hư hỏng trong làng. Cha mẹ nói gì cũng không lay chuyển, thế mà thầy Hoàng đóng vai “vừa là thầy giáo, vừa là bạn bè”, Hà đã ngoan ngoãn vâng lời thầy giáo trở lại lớp học.

Kinh nghiệm đúc kết, thầy Hoàng nhận ra: Học sinh miền núi bỏ học, học "giã gạo" hầu hết không vì lý do học yếu mà vì hoàn cảnh khó khăn, có em phải ở nhà đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ hoặc ham chơi. Học sinh miền núi luôn có tính thẳng thắn, thật thà và tự trọng.

Cũng là người con của đồng bào dân tộc H're, thầy hiểu nếu giáo viên thiếu am hiểu tường tận và thông cảm thì rất khó để đồng cảm cùng các em. Nếu giáo viên không làm bạn, xa cách các em rất dễ mặc cảm, từ đó xem nhẹ việc học, dẫn đến học "giã gạo", bỏ học.

Vì vậy, giáo viên miền núi phải luôn gần gũi, cảm hoá các em bằng sự tận tình chăm sóc và gương mẫu để được sự tin yêu của các em, từ đó phát huy tác dụng giáo dục, khắc phục dần những lạc hậu trong nhận thức của các em cũng như của đồng bào dân tộc thiểu số.

Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp trồng người ở vùng khó khăn, thầy Hoàng đã nhiều lần được nhà trường, Sở GD&ĐT khen thưởng. Thầy Hoàng cũng là giáo viên duy nhất là người dân tộc thiểu số của tỉnh được Sở GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT vinh danh cá nhân tiêu biểu “Vì sự nghiệp đổi mới giáo dục”.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.