(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi sáp nhập các xã phía đông vào TP. Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh chỉ còn lại các xã phía tây với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhất là trường học. Những năm qua, ngành giáo dục huyện huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia đã khó, giờ giữ chuẩn lại càng khó hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xây dựng trường chuẩn đã khó...
Phó Phòng GD & ĐT huyện Sơn Tịnh Dương Thị Thu Thủy, bộc bạch: Sơn Tịnh là huyện có số trường đạt chuẩn Quốc gia thấp. Đến thời điểm này, Sơn Tịnh có 16/37 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm 43% tổng số trường trên địa bàn huyện. Trong đó, bậc mầm non có 2/11 trường, tiểu học 8/15 trường, THCS 6/11 trường. Nguyên nhân, trước đây khi có chủ trương xây dựng trường chuẩn Quốc gia, các địa phương ở phía đông huyện có điều kiện kinh tế hơn nên ngành giáo dục tập trung xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở đây. Nay khu vực này sáp nhập vào TP. Quảng Ngãi, nên ngành giáo dục Sơn Tịnh gần như phải làm lại từ đầu.
Nhà hiệu bộ Trường THCS Nguyễn Chánh (trường từng đạt chuẩn), nay đã xuống cấp, đóng cửa bỏ không. |
Thực tế, điều kiện kinh tế các xã phía tây huyện Sơn Tịnh có nhiều khó khăn, các trường học xây dựng đã lâu nay xuống cấp, nên rất khó đạt trường chuẩn. Đặc biệt, bậc mầm non thiếu thốn đủ bề.
Đối với bậc tiểu học, muốn đạt trường chuẩn phải thực hiện đủ 5 tiêu chí. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tiêu chí cơ sở vật chất và tiêu chí thực hiện dạy 2 buổi/ngày đối với 50% học sinh. Cũng theo quy định của ngành, mỗi trường đạt chuẩn phải có giáo viên chuyên biệt như: Dạy nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, giáo viên phụ trách đội… Giáo viên bộ môn văn hóa phải dạy đủ 23 tiết/tuần, có số lượng học sinh 30 – 35 em/lớp… Tuy nhiên, ở các xã phía tây của huyện còn nhiều cách trở nên hiện vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, nhiều trường có quy mô nhỏ (chỉ có khoảng 10 lớp). Những trường thế này chỉ biên chế giáo viên chuyên biệt, còn giáo viên bộ môn văn hóa quá ít so với tổng thể chỉ tiêu biên chế giao nên không đảm bảo dạy 2 buổi/ngày... Từ những khó khăn trên mà nhiều trường ở huyện Sơn Tịnh khó đạt chuẩn.
...Giữ chuẩn lại càng khó hơn
Trường THCS Nguyễn Chánh (xã Tịnh Hà) đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2006. Tuy nhiên, thời điểm trường đạt chuẩn cũng còn khiếm khuyết một số mặt. Bởi lúc này, trường có 29 phòng thì có nhiều phòng học được dùng lại từ trường tiểu học nên chưa đảm bảo thiết kế đối với học sinh bậc THCS. Nhà hiệu bộ, văn phòng trường, phòng y tế học đường... phải dùng lại trụ sở của UBND xã nằm kế bên (vì xã đã có trụ sở mới). Ngoài ra, trường vẫn còn nợ đến 3 tiêu chí là sân chơi, bãi tập; tường rào, cổng ngõ và diện tích khuôn viên trường.
Nhiều phòng học xây dựng lâu nên nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều phòng học, bàn ghế không còn phù hợp với phương pháp giảng dạy mới hiện nay. Sân trường chưa tráng xi măng, nên cỏ mọc, mưa lớn là ngập nước. Ông Lê Thê-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chánh cho biết: Trường đã nhiều lần kiến nghị xin kinh phí để làm lại khu nhà hiệu bộ, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Do nguồn kinh phí có hạn nên trường chỉ mới trả nợ 3 tiêu chí đạt chuẩn. Theo quy định sau khi đạt chuẩn, 5 năm sau ngành giáo dục kiểm tra, đánh giá lại, nếu trường bị kiểm tra thì chắc chắn khó giữ chuẩn.
Bà Thủy cho biết thêm, những trường đạt chuẩn gần đây thì duy trì chuẩn dễ hơn, còn những trường đạt chuẩn từ trước những năm 2008 – 2009 thì duy trì chuẩn thật khó. Bởi sau nhiều năm, cơ sở vật chất xuống cấp, trong khi đó các tiêu chí chưa đạt, để nợ, hiện nhiều trường vẫn chưa có kinh phí đầu tư. Nhiều trường còn thiếu khu hiệu bộ, nhà chức năng và đội ngũ giáo viên dạy hai buổi/ngày theo quy định.
Hằng năm, huyện Sơn Tịnh đều dành một khoản kinh phí từ nguồn thu để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng các trường đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí quá ít nên huyện chỉ tập trung đầu tư xây dựng trường mới và các trường đã đạt chuẩn nhưng nợ tiêu chí. Vì vậy, việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và giữ chuẩn trên địa bàn huyện Sơn Tịnh thật gian nan.
Bài, ảnh: MAI HẠ