(Báo Quảng Ngãi)- Đoạn cuối của cung đường Đông Trường Sơn qua đất Sơn Tây là xã Sơn Bua. Mùa nắng thì nóng nhất, mùa đông thì lạnh xếp hàng đầu ở xứ Quảng này. Thời tiết khắc nghiệt, xa xôi, hẻo lánh là vậy nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn kiên trì bám trường, gieo chữ…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chúng tôi về Trường Tiểu học và THCS Sơn Bua đúng vào dịp các em học sinh nô nức đón Hội trăng rằm. Chiều vừa tắt nắng, sân trường rộn rã, từng tốp học sinh kéo về quần tụ xem lân, nhận quà Trung thu, phá cỗ, nghe kể chuyện chú Cuội với chị Hằng Nga trong truyện cổ tích. Trong đó có nhiều em là con của thầy cô giáo đang dạy học ở Sơn Bua.
"Vần công" chăm con
Lần giở những ký ức về trường, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng nhà trường kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về “phòng hậu sản” của ngôi trường Sơn Bua nằm bên cung đường Đông Trường Sơn…
Học trò Sơn Bua trên đường đến trường. |
Đó là suốt những năm tháng qua, bên trong dãy nhà đơn sơ dành cho giáo viên của trường lúc nào cũng ê a tiếng trẻ con – những thiên thần bé nhỏ là kết quả của ông bố, bà mẹ là giáo viên kết duyên khi lên đây dạy học. Có thời điểm 6 gia đình cùng sinh con đã khiến khu nhà “công vụ” vốn đã chật chội càng như hẹp lại. Cô này lên lớp thì cô kia trông con hộ. Trông con ở đây cũng có thời phải “vần công”. Khổ nhất vẫn là chuyện khi các em bé bị ốm. Xóm vắng, bệnh viện thì xa, bởi thế mỗi giáo viên lại trở thành những “cán bộ y tế” đọc và nghiên cứu tài liệu phòng các bệnh thông thường để chăm sóc con nhỏ.
Giờ thì “phòng hậu sản” ở Trường Tiểu học và THCS Sơn Bua đã giảm dần số lượng, vì một phần các thầy cô giáo đã có hai con; phần vì một số thầy cô có điều kiện làm nhà riêng tách khỏi nhà công vụ. Duy có trường hợp của cô giáo trẻ Mỹ Duyên, quê ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) là khác biệt. Cô lập gia đình, sinh con, khi hết thời kỳ thai sản, ôm con lên Sơn Bua tiếp tục công việc dạy học của mình. Thời tiết khắc nghiệt, bé không thích nghi được nên đau ốm triền miên. Chồng lại công tác xa nhà, cô Duyên phải đưa con về quê và thuê người chăm sóc. Cứ đầu tuần cô chạy xe máy lên Sơn Bua dạy học, cuối tuần lại dong xe xuôi núi. Dẫu cũng là “cán bộ 2 – 6”, tức là thứ 2 đi thứ 6 về nhưng với cô Duyên một tuần dài như cả tháng. “Nhìn thấy các cháu nhỏ mà em nhớ con đến ứa nước mắt, nhưng vì hoàn cảnh phải cố gắng vượt qua” – cô Duyên tâm sự.
Sợ người thân điện thoại
Thầy giáo trẻ Trịnh Phú Em được cả tập thể Trường Tiểu học và THCS Sơn Bua dành cho sự sẻ chia, động viên nhiều nhất, bởi thầy có hoàn cảnh rất khó khăn. Thầy Em lên Sơn Bua dạy học để lại cha mẹ già ở quê Bình Trung (Bình Sơn) gần 90 tuổi phải tự chăm sóc nhau. Sáng thứ 2 đi, chiều thứ 6 thầy Em mới về nhà. Hành trình hơn 100km từ nhà đến trường mỗi lần đi cũng phải mất hơn 3 tiếng bằng xe máy. Thứ 7, chủ nhật là ngày thầy Em tất bật nhất: Đi chợ mua thức ăn, làm sẵn, đóng gói bỏ vào tủ lạnh; dọn dẹp nhà cửa, giặt đống quần áo của cha mẹ; nấu cho cha mẹ những bữa ăn ngon, lạ miệng...
Dường như sự cực nhọc cứ đeo bám lên vai với người có sức chịu đựng như thầy Phú Em. Trong một khoảng thời gian ngắn, những người thân của gia đình thầy lại luôn gặp rủi ro, bệnh tật. Anh rể bị tai nạn giao thông qua đời, để lại chị gái đau ốm, cháu thơ dại. Thầy Em lại phải chìa vai giúp đỡ cháu ăn học. Các anh chị khác người thì bị bệnh tiểu đường sức khỏe suy kiệt; người thì ung thư giai đoạn cuối. Thầy Phú Em tâm sự: “Mỗi lần điện thoại reo, thấy số người thân hiện lên em sợ lắm. Sợ rủi gia đình có chuyện gì. Nhiều đêm, cha mẹ đau ốm bất ngờ, gọi điện lên, em phải hộc tốc chạy từ Sơn Bua về Bình Trung trong đêm tối. Gọi bác sĩ thăm khám, mua thuốc dặn dò cha mẹ, sáng sớm lại vội vàng quay trở lại trường cho kịp giờ lên lớp”…
Khó khăn là vậy nhưng thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Bua khẳng định: “Các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn đều biết sắp xếp việc gia đình, bám trường, bám lớp, tập trung cho chuyên môn. Họ đều là những giáo viên dạy giỏi, có nhiều thành tích trong công tác, là tấm gương cho học trò, đồng nghiệp noi theo”.
Bài, ảnh: THANH HUYỀN