Giáo dục miền núi: Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy

04:10, 10/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù  cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu, nhưng kể từ khi ngành giáo dục có chủ trương đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào trường học, đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các huyện miền núi trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực để tiếp cận, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

TIN LIÊN QUAN

Tiện ích của CNTT

Bây giờ, hình ảnh người giáo viên đồng bằng vượt đèo lên miền núi công tác đã khác trước nhiều. Trên vai họ không chỉ mang cặp đựng giáo án mà còn có cả chiếc máy laptop. Thầy Lương Hữu Hoàng, quê ở Hành Trung (Nghĩa Hành) dạy học ở xã Long Môn (Minh Long) chia sẻ: “Mình dạy môn Vật lý và Công nghệ nên cần máy tính. Kiến thức để giảng dạy cho các em giờ nằm trọn trong chiếc máy này…”.

Nhiều trường ở các huyện miền núi đã áp dụng CNTT vào lớp học. Trong ảnh: Một lớp học ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).
Nhiều trường ở các huyện miền núi đã áp dụng CNTT vào lớp học. Trong ảnh: Một lớp học ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).


Năm 2013, thầy Hoàng về nhận công tác và được phân công dạy môn Vật lý và Công nghệ từ khối 6 đến khối 9 tại Trường Tiểu học & THCS Long Môn. Do đặc thù của môn dạy, nên thầy Hoàng đã tiếp cận với giáo án điện tử từ khá sớm. Theo thầy Hoàng, sử dụng giáo án điện tử có nhiều lợi ích, như trong một bài giảng có thể sưu tầm hình ảnh thực nghiệm, video để lồng ghép, minh họa. Qua đó, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ bài học hơn cách soạn, dạy học theo giáo án truyền thống.

Thầy Nguyễn Đình Tín - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Tô (Ba Tơ) cũng ghi nhận tính ưu việt của giáo án điện tử. Tuy làm lãnh đạo, nhưng thầy Tín vẫn đảm nhận 4 tiết/tuần môn Giáo dục công dân và môn Lịch sử. Thầy Tín cho hay: “Dạy môn Lịch sử rất cần hình ảnh minh họa, nên mình phải cũng sắp xếp thời gian để tìm hình ảnh, tư liệu lịch sử để đưa vào bài giảng, giúp các em dễ hình dung, dễ nhớ. Tiết học vì thế mà sinh động, giúp các em chăm chú, hứng thú trong việc học hơn”.
 

Rất cần sự hỗ trợ


Việc ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy đối với giáo viên công tác ở miền núi ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu; đội ngũ giáo viên trẻ có khả năng tiếp cận CNTT thì không có điều kiện tự trang bị máy vi tính, với giáo viên lớn tuổi thì khả năng tiếp cận CNTT có hạn. Thầy Trần Văn Mỵ - Giáo viên Trường Tiểu học Ba Động (Ba Tơ), chia sẻ: “Với thâm niên trong nghề gần 20 năm, việc giảng dạy đã quen với giáo án truyền thống. Giờ soạn giáo án bằng máy tính, giáo án điện tử nên cũng gặp nhiều trở ngại. Nhưng vì học sinh nên phải cố gắng học hỏi, thực hành để thành thạo hơn, nhưng cũng rất cần sự hướng dẫn, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị của ngành giáo dục”.

Không chỉ ở bậc THCS mà ngay ở bậc tiểu học, cũng được các giáo viên dạy học ở miền núi áp dụng giáo án điện tử từ nhiều năm nay. Vì thế, giáo án của thầy Trần Văn Mỵ, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B, Trường Tiểu học xã Ba Động (Ba Tơ) không còn như trước. Mỗi bài giảng đều có hình ảnh minh họa, hướng dẫn kỹ năng sống, bổ trợ nhiều kiến thức xã hội, lịch sử, truyền thống cách mạng... cho các em. Thầy Mỵ bảo: “Để dạy tiết Tiếng Việt với bài: Kỳ diệu rừng xanh, mình phải lên mạng tìm hình ảnh về rừng xanh có chim muôn, có thú rừng sinh sống để minh họa, giúp các em thấy được lợi ích từ rừng mà yêu rừng, góp phần bảo vệ rừng’’.

Triển khai sâu rộng

Thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học- THCS Long Môn, cho biết: Năm 2013, trường được một tổ chức Nhật Bản hỗ trợ 15 máy vi tính đề bàn. Đây là niềm vui đối với thầy và trò, nên trường đã nhanh chóng nối mạng Internet, triển khai sâu rộng đến cán bộ, giáo viên ở trường về CNTT và tự dạy cho nhau. Nhờ đó, đến nay toàn bộ giáo viên của trường đã biết sử dụng vi tính để soạn giáo án, dạy bằng giáo án điện tử. Trong năm học 2015 – 2016, nhà trường đã đưa ra quy định bắt buộc mỗi giáo viên phải chọn tối thiểu một tiết dạy giáo án điện tử/năm học. Vì thế, ngoài thiết bị ở trường, nhiều giáo viên đã đầu tư máy tính xách tay để soạn giáo án, nhận e-mail, tra cứu tìm thông tin từ mạng.

Còn ở Trường THCS Ba Tô (Ba Tơ) - nơi có đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc Hrê học tập, nhưng hình ảnh chiếc máy tính, máy chiếu, bảng tương tác không còn là điều xa lạ với các em. Nhiều tiết học, thay vì sử dụng phấn, các thầy, cô giáo đã thành thạo mọi thao tác giảng dạy bằng máy chiếu, với những bài giảng bằng giáo án điện tử khá sinh động. Thầy Nguyễn Đình Tín – Phó hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: Đến nay có khoảng 40% giáo viên của trường sử dụng được giáo án điện tử, 100% giáo viên đã soạn giáo án bằng máy tính. Mỗi bài dạy, nhờ lồng ghép các hình ảnh, những đoạn video sinh động đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.