(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, nhờ có đội ngũ cộng tác viên “đi tận ngõ, gõ tận cửa” để tuyên truyền, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động nên nhiều gia đình ở Sơn Hà đã thực sự thoát nghèo, tích lũy vốn phát triển kinh tế gia đình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Huyện Sơn Hà xác định công tác XKLĐ là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm cho người lao động nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ gia đình trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong giai đoạn 2010-2014 có 416 lao động đi làm việc ở các thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc… Có được kết quả đó phải kể đến một phần công sức từ đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền về XKLĐ tại ở cơ sở.
Chị Thủy - cộng tác viên XKLĐ xã Sơn Cao (bên trái) đến thăm hỏi gia đình về tình hình làm việc của anh Đinh Văn Si. |
Cách đây khoảng 5 năm, đi vận động người dân tham gia XKLĐ khó lắm, thời điểm ấy, đồng bào dân tộc thiểu số tỏ ra ngạc nhiên với cụm từ “XKLĐ”, nhưng chẳng bao lâu sau họ đã đi sang nhiều nước trong khu vực để lao động, dành dụm được tiền gửi về quê, chị Lê Thị Bích Thủy – một cộng tác viên XKLĐ hoạt động năng nổ ở xã Sơn Cao cho hay. Để người dân có thể tìm được việc làm với mức lương ổn định ở những thị trường phù hợp với khả năng và trình độ lao động của họ, đội ngũ cộng tác viên phải thuộc lòng từng quy định, hướng dẫn, yêu cầu của từng thị trường lao động để tuyên truyền cho người lao động… Các cộng tác viên còn đến từng nhà để nói chuyện, giải thích cặn kẽ những điều người dân chưa rõ. “Từ năm 2013 đến nay, năm nào xã Sơn Cao cũng đạt 100% chỉ tiêu XKLĐ do huyện giao. Trước đây không có đâu!”, Chị Thủy phấn khởi nói.
Nhiều người dân được chị Thủy giới thiệu tham gia XKLĐ giờ đã tích lũy được vốn làm ăn ngày càng khấm khá. Như anh Đinh Văn Si ở thôn Đồng Sạ, sau nhiều lần được tư vấn, anh đã quyết định đăng ký tham gia làm việc tại Malaysia. Hơn 2 năm làm việc chăm chỉ (từ cuối năm 2013 đến nay) anh đã tích lũy được tiền gửi về cho gia đình trả nợ ngân hàng và mở sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng.
Hay như anh Đinh Văn Bình ở thôn Làng Trá tham gia XKLĐ năm 2011 đến năm 2013 về nước đã tích lũy được gần 400 triệu đồng, xây được căn nhà khang trang và đầu tư trồng keo, nuôi bò… Năm 2015 này anh Bình tiếp tục đăng ký đi lao động tại thị trường Malaysia. Không chỉ riêng anh Si, anh Bình, mà ở huyện Sơn Hà còn rất nhiều lao động tham gia làm việc tại nước ngoài, siêng năng làm việc tích lũy tiền để gửi về giúp đỡ gia đình thoát nghèo, có cuộc sống sung túc, ổn định hơn.
Chị Đoàn Thị Chiêng - Phó Bí thư Đoàn xã Sơn Bao, cộng tác viên XKLĐ của xã, cho biết thêm: Để vận động người dân tộc thiểu số tham gia XKLĐ phải tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền, đội ngũ cộng tác viên XKLĐ tại cơ sở còn làm “nhiệm vụ” động viên, thăm hỏi và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của gia đình có người tham gia lao động tại nước ngoài, động viên người lao động về nước đúng hạn.
Việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền XKLĐ ở Sơn Hà bước đầu đã mang lại hiệu quả. Hiện tại, ở 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có 28 cộng tác viên. Từ đầu năm đến nay, huyện có 32 lao động tham gia XKLĐ, nhiều xã đạt 150% chỉ tiêu huyện giao như xã Sơn Ba, Sơn Bao, xã Sơn Cao…
Ông Lữ Đình Ngộ - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Hà cho biết: Tổ chức lực lượng cộng tác viên ở các địa phương được thành lập theo Quyết định 16/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Ban hành quy chế cộng tác viên XKLĐ trên địa bàn Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trước đó, giai đoạn 2009-2012 khi tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ cho cộng tác viên làm công tác XKLĐ ở xã, thị trấn thì huyện Sơn Hà cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho cộng tác viên từ nguồn ngân sách huyện để động viên, khích lệ đội ngũ này hoạt động.
Bài, ảnh: VŨ YẾN