Cho vay đối với học sinh, sinh viên: Những kiến nghị từ cơ sở

03:10, 07/10/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Quyết định 157/2007/QĐ- TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ "Về tín dụng đối với học sinh, sinh viên" đã và đang được triển khai thực hiện rộng rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những vướng mắc cần được tháo gỡ.

TIN LIÊN QUAN

Qua 8 năm thực hiện Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ, tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh Quảng Ngãi, đến nay 13 phòng giao dịch, 184 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và hơn 3.000 tổ tiết kiệm vay vốn tại thôn, khu dân cư đã cho 18.890 gia đình học sinh, sinh viên vay với tổng dư nợ 399,34 tỷ đồng. Trong đó nợ trong hạn hơn 397,27 tỷ đồng, nợ quá hạn 2, 52 tỷ đồng, nợ khoanh 10,5 triệu đồng. Số khách hàng nợ dài hạn 311,7 tỷ đồng, trung hạn 87,6 tỷ đồng, ngắn hạn trên 22 triệu đồng.    

Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại cơ sở hầu hết là thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp gia đình quá khó khăn, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm nên việc trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng hết sức khó khăn.

 

Nhân dân xã Tịnh Kỳ đến vay vốn tại điểm giao dịch xã.
Nhân dân xã Tịnh Kỳ đến vay vốn tại điểm giao dịch xã.


Trường hợp như gia đình bà Huỳnh Thị Sáu, thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, chồng bà đi bộ đội phục viên về năm 1982, năm 1994 đang hành nghề trên biển bị tai nạn chết, bà bị bệnh nhưng phải lo cho 3 con ăn học đại học, vay vốn với số tiền gần 30 triệu đồng, các con ra trường chưa có việc làm, hiện nay mới trả được một ít phần lãi, vẫn còn nợ ngân hàng số tiền lớn. Bà Huỳnh Thị Sáu cho biết: Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, cố gắng cho 3 con học đại học, đứa con út ra trường chưa có việc làm. Bà đề nghị nhà nước cho khoanh nợ, các con có việc làm sẽ trả cho ngân hàng.

Đến xã Tịnh Kỳ, một xã ven biển TP. Quảng Ngãi luôn có tổng số vay vốn từ các ngân hàng với dư nợ lớn để đóng, sửa tàu thuyền, mua ngư lưới cụ, vay cho con ăn học, trang trải trong cuộc sống... Ông Nguyễn Xí, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi cho rằng: Cho đến nay trên địa bàn xã Tịnh Kỳ bà con vay vốn ngân hàng chính sách tổng dư nợ 17,2 tỷ, riêng đối với học sinh, sinh viên được vay 2,3 tỷ, có 126 hộ được vay vốn, nợ quá hạn 10 triệu, chiếm 0,4%.

Trong thời gian qua, đối với học sinh, sinh viên chưa trả nợ đúng hạn có nhiều nguyên nhân, thứ nhất gia đình khó khăn về kinh tế, nghèo và rất nghèo; thứ hai sinh viên ra trường không có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định. Đề nghị với ngân hàng, các cấp các ngành liên quan đối với những trường hợp thật sự khó khăn, sinh viên ra trường chưa có việc làm nên khoanh nợ từ 2 đến 3 năm hoặc 5 năm để họ đủ điều kiện làm ăn, có tiền trả cho ngân hàng.

Qua nhiều năm làm ở tổ tiết kiệm vay vốn tại xã, ông Trần Thanh Hoa, Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên  xã Tịnh Kỳ vay vốn học tập, tạo công ăn việc làm cho các em. Tuy nhiên, nhiều em đã học xong, ra trường vài ba năm nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm, gia đình khó khăn... Từ những khó khăn như vậy, tốt nhất đề nghị khoanh nợ cho học sinh sinh viên, kéo dài thời gian để hộ gia đình học sinh, sinh viên có điều kiện trả nợ dứt điểm cho ngân hàng.

Có trường hợp như em Trương Quang Bin, thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, TP. Quảng Ngãi, hoàn cảnh gia đình em thuộc diện hộ nghèo, mẹ em bị bệnh hiểm nghèo, được sự hỗ trợ của chính quyền xét cho gia đình em được vay vốn ở ngân hàng chính sách, qua đó tạo điều kiện cho em có tài chính để theo học 4 năm đại học. Trong 4 năm gia đình vay 38 triệu đồng, hiện nay trả lãi hàng tháng cho ngân hàng, còn tiền gốc chưa tới thời hạn trả nợ, tuy nhiên gia đình có kế hoạch trả dần cho ngân hàng.

Riêng đối với nhiều nhiều gia đình cũng như sinh viên ra trường đã có việc làm, nhưng vẫn cố tình kéo dài thời gian trả nợ hoặc cố tình chây ỳ trong việc trả nợ cả lãi và gốc cho ngân hàng. Ông Nguyễn Xí, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi cho rằng: Đối với những trường hợp này, đề nghị nhà nước có chế tài ràng buộc đối với chủ sử dụng lao động là sinh viên sau khi ra trường được nhận công tác tại đơn vị thì ngân hàng phối hợp với đơn vị đó để thu hồi nợ.

Ông Trần Duy Cường, Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xác định nhiệm vụ, xác định chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên là thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, chúng tôi phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Từ năm 2007 đến nay ngân hàng chính sách xã hội chúng tôi đã chuyển tải hơn 850 tỷ đồng giải quyết cho hơn 50.000 hộ gia đình vay vốn. Giải quyết cho hơn 130.000 học sinh, sinh viên trúng tuyển vào các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong cả nước để trang trải chi phí trong học tập.

Trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình này, việc sinh viên ra trường đến nay cơ hội tìm việc làm rất khó khăn, một số sinh viên tìm được việc làm nhưng chưa ổn định, thu nhập rất thấp, chưa đủ tích lũy để cùng gia đình trả nợ cho nhà nước. Chính vì vậy việc thu nợ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên chưa đạt kết quả.

Để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên, chúng tôi đề nghị các cấp các ngành quan tâm và có cơ chế đối với các trường hợp học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trương chưa tìm được việc làm ổn định thì kéo dài thêm thời gian trả nợ để giúp các hộ gia đình có điều kiện về thời gian và tìm nguồn thu nhập để trả nợ cho nhà nước; đồng thời một số trường hợp học sinh, sinh viên đang theo học bị chết, mất tích, bị tai nạn... hiện nay chưa có chế tài xử lý nợ.

Trước tình hình thực tế các hộ gia đình ở nông thôn, mặc dù không thuộc đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ nhưng có từ 2 con trúng truyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... muốn tiếp cận nguồn vốn này, đề nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành xem xét và có cơ chế mở rộng đối tượng giúp cho các gia đình này có điều kiện cho con em trúng tuyển ở các trường đại học, cao đẳng để đảm bảo tài chính theo học.


 

                         Bài và ảnh: Nguyễn Đăng Lâm
 


.