(Baoquangngai.vn)- Dù có bằng đại học, nhưng rất nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non đành ngậm ngùi nhận lương trung cấp, cao đẳng.
TIN LIÊN QUAN
Có bằng đại học, hưởng lương trung cấp, cao đẳng
Cô Võ Thị Trà- Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) cho biết, cô vào ngành đến nay đã 32 năm, nhưng xét theo năm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì chỉ được 19 năm.
Trước kia, giáo viên mầm non hưởng lương theo kiểu tự thu tự chi. Vào năm 2003, cô Trà được xếp vào bậc lương theo quy định thời điểm ấy là 8/16, hệ số 2,24; đến năm 2006 8/12, hệ số (3.26).
Mãi đến năm 2010 khi Nhà nước xét cho giáo viên mầm non vào biên chế thì lúc đó cô vẫn giữ hệ số lương như cũ là được xếp vào bậc 8/12 (3.26) của 4 năm về trước, đến năm 2012 được thăng hạng lên 10/12 (3.66).
Và đây cũng chính là lần tăng lương mới nhất của cô Trà. Từ đó đến nay, cô vẫn chưa được tăng lương đúng trình độ, dù tốt nghiệp đại học chuyên ngành đã 4 năm qua. Nghĩa là sau 4 năm tốt nghiệp học đại học, giáo viên này vẫn chưa nhận được lương của một cử nhân.
“Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên các cơ quan chức năng, nhưng họ bảo phải đợi có đợt thi chuyển, đợi hết năm này đến năm kia cũng chẳng thấy đâu? Mà thi thì thi cái gì vì trước kia giáo viên thuộc diện như chúng tôi chỉ xét chuyển, chứ không hề qua thi chuyển, vậy có công bằng?”- cô Trà lo lắng.
Có bằng đại học, nhưng hàng trăm giáo viên ngậm ngùi hưởng lương trung cấp, cao đẳng. |
Không chỉ cô Trà mà tất cả các cán bộ, giáo viên mầm non đã học nâng cao trình độ và tốt nghiệp trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 trên toàn tỉnh đều rơi vào tình cảnh này. Riêng tại huyện Nghĩa Hành đã có tới 100 cán bộ, giáo viên.
Thầy Chế Thanh Vũ- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành chia sẻ: Từ năm 2010 trở về trước, những người thuộc diện này khi nộp hồ sơ lên phòng, phòng chuyển hồ sơ qua Phòng Nội vụ ra quyết định chuyển nâng ngạch lương tương ứng với trình độ, không qua thi chuyển.
Nhưng từ năm 2011 đến nay, Phòng Nội vụ trả lời phải đợi thi chuyển. Phòng đã nhiều lần kiến nghị HĐND, UBND huyện và cả Sở Nội vụ, nhưng vẫn chưa có thêm lần nào xếp lương theo trình độ cho giáo viên.
Việc chậm trễ trả lương theo trình độ như hiện nay khiến nhiều giáo viên bị thiệt thòi, sự cố gắng của họ đã không được đền đáp thỏa đáng. Không ít cán bộ, giáo viên không muốn đi học để nâng cao trình độ vì như thế vừa tốn kém, nhưng quyền lợi lại không được hưởng!
Ách tắc từ Bộ
Sở dĩ có tình trạng trên là do 3 năm qua, Nghị định số 29 ngày 12.4.2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chưa được thực thi.
Ông Vũ Đức Tế- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc chuyển đổi mã ngạch lương theo trình độ chuyên môn đã được thực hiện theo Nghị định 116 năm 2003 của Chính phủ quy định về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Tuy vậy, Nghị định này hết hiệu lực thi hành vào năm 2011.
|
|
Ngày 12.4.2012, Chính phủ ban hành Nghị định 29 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, khi thăng hạng lương từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng ngành, cùng lĩnh vực phải thực hiện thông qua thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.6.2012, tuy nhiên đã hơn 3 năm qua, Bộ GD&ĐT chưa phối hợp với Bộ Nội vụ để quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành giáo dục, vì vậy mà Sở GD&ĐT không có căn cứ để thực hiện.
Mãi đến ngày 14.9.2015, Liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ mới ban hành Thông tư liên tịch số 20 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non. Theo đó, giáo viên mầm non được phân thành 3 hạng: Hạng II, hạng III và hạng IV, tùy trình trình độ.
Hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89; hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
“Sở sẽ sớm phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh có chủ trương để thực hiện thăng hạng, sắp xếp mã ngạch và bậc lương cho giáo viên mầm non đúng quy định”- ông Vũ Đức Tế khẳng định.
Điều mà hầu hết giáo viên băn khoăn là Thông tư liên tịch số 20 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.11.2015, vậy quãng thời gian trước đó có được tính hay không? Ba năm không phải là quá dài, nhưng cũng không phải là ngắn với sự cống hiến của họ. Đó là quyền lợi chính đáng mà họ có quyền được hưởng.
Bài, ảnh: Chấn Phong