(Baoquangngai.vn)- Một nghịch lý đang diễn ra là giáo viên bậc tiểu học (TH) và mầm non (MN) thiếu nghiêm trọng, thì ở nhiều nơi, giáo viên trung học cơ sở (THCS) dư dôi, thậm chí có giáo viên chỉ dạy một nửa số tiết theo quy định.
TIN LIÊN QUAN
Nơi thiếu - chỗ thừa
Năm học này, Trường THCS&TH xã Trà Lâm (Trà Bồng) có 403 học sinh, trong đó có 264 học sinh TH và 141 học sinh THCS học ở 5 điểm chính và 1 điểm lẻ. Hiện trường còn thiếu 9 giáo viên, chủ yếu là giáo viên bậc TH, trong khi đó lại thừa giáo viên THCS.
Tình trạng thiếu vẫn thiếu, thừa cứ thừa tồn tại ngay trong cùng một “chủ thể” đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tại xã Trà Bùi và Trà Hiệp cũng đang thiếu giáo viên bậc TH nghiêm trọng.
Theo số liệu rà soát trước thềm năm học mới, trên toàn huyện Trà Bồng dư tới 33 giáo viên THCS, tuy nhiên TH lại thiếu 22 giáo viên và MN thiếu tới 28 giáo viên.
Bà Đinh Thị Thu Hương- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là những năm gần đây tỉ lệ sinh bị khống chế, vì thế mà số lượng học sinh THCS vì thế cũng giảm theo. Ở bậc TH lại phát triển hình thức học bán trú và MN chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Một phần cũng do giáo viên công tác lâu năm nên xin chuyển về xuôi.
Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều nơi. |
Tại huyện Tây Trà, mặc dù năm học 2014-2015 đã tuyển hơn 30 giáo viên, nhưng hiện vẫn còn thiếu tới 160 giáo viên ở cả 3 bậc học MN, TH và THCS phân bổ đều ở 28 trường.
Ông Phạm Sơn- Trưởng phòng GD&ĐT huyện lý giải: “Năm học 2014-2015, qua thi tuyển có 43 thí sinh trúng tuyển, nhưng thực tế có tới 9 người không nhận công tác. Bên cạnh đó, việc mở rộng hình thức học bán trú yêu cầu trung bình 1,5 giáo viên/lớp thay vì 1,2 giáo viên/lớp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt nguồn giáo viên”.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên bậc THCS phải dạy đủ 19 tiết/tuần, nhưng thực tế hầu hết giáo viên chỉ dạy 17 tiết. Nhiều trường số lượng học sinh ít nhưng bắt buộc phải cơ cấu đủ số lượng giáo viên theo bộ môn nên có giáo viên chỉ dạy 12-13 tiết, thậm chí có giáo viên chỉ dạy một nửa số tiết theo quy định.
Giải pháp tình thế
Để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác dạy và học, nhiều nơi đã tuyển giáo viên hợp đồng và trả lương theo kiểu dạy tiết nào trả tiết ấy, trong khi không ít giáo viên biên chế ở một số bộ môn lại phải "ngồi chơi xơi nước".
Một tiết dạy giáo viên hợp đồng được trả 35.000 đồng, không có bất cứ chế độ nào thêm. Cũng có nhiều trường, trả lương giáo viên hợp đồng vỏn vẹn bằng mức lương tối thiểu.
Cũng theo bà Đinh Thị Thu Hương, lâu nay, với số giáo viên thiếu tiết, buộc phải bố trí, phân công kiêm nhiệm những công việc khác, như đoàn đội, thư viện, thiết bị trường học,…
Bậc học MN đang thiếu giáo viên nghiêm trọng. |
Mới đây nhất, Phòng đưa ra giải pháp là chuyển số giáo viên dư dôi ở bậc THCS xuống dạy TH ở các trường hai cấp học chung để tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Khi nào THCS thiếu thì chuyển ngược lại.
Giải pháp này mới nghe có vẻ hợp lý, nhưng chỉ là giải pháp tình thế, khó để mang lại hiệu quả thiết thực. Bản thân người thầy khó sẵn sàng để hòa nhập với hoàn cảnh mới. Cái khó nhất là họ được đào tạo làm giáo viên THCS chứ không phải giáo viên TH.
Một giáo viên từng dạy THCS trong thời gian 5 năm được điều chuyển xuống dạy TH đã 3 năm chia sẻ: “Giáo viên THCS được đào tạo theo kiểu dạy 1 môn hoặc tổ hợp liên môn gồm 2 môn, chẳng hạn như: Hóa, Sinh hoặc Hóa- Sinh; Toán, Tin hoặc Toán- Tin; Địa lý, Giáo dục công dân hoặc Địa lý- Giáo dục công dân, còn ở TH một giáo viên đảm nhiệm khá nhiều môn. Khi nhận nhiệm vụ ở môi trường mới, không chỉ chuyên môn mà tâm lý sư phạm cũng là rào cản không nhỏ cho giáo viên.
Bài, ảnh: Ái Kiều