(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 70 năm thành lập và phát triển, Trường THPT chuyên Lê Khiết đã ghi những mốc son quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của miền đất Ấn-Trà. Đây được xem là cái nôi đào tạo nhân tài của tỉnh. Nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò nhà trường đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Khiết vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền lâm thời tỉnh bắt tay vào xây dựng chế độ mới. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm. Từ đó Trường Trung học Lê Khiết được ra đời và khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 10.1945. Nhà trường hoạt động liên tục trong suốt 10 năm, với 4 lần chuyển đổi địa điểm theo hành trình cùng dân tộc kháng chiến, kiến quốc nhằm tránh khỏi sự đánh phá của thực dân xâm lược Pháp, từ vị trí trường tiểu học thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ (nay là Trường THPT Trần Quốc Tuấn) lên thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đến Sông Vệ (Tư Nghĩa) lên An Ba, Hành Thịnh (Nghĩa Hành).
Góp phần vào sự phát triển của trường là sự quan tâm hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm... Trong ảnh: Lễ ký kết chương trình hợp tác và hỗ trợ giữa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Trường THPT Chuyên Lê Khiết. |
Lúc bấy giờ, đông đảo HS của trường theo tiếng gọi của non sông đã xếp bút nghiêng lên đường tham gia kháng chiến. Trong 10 năm, Trường trung học Lê Khiết đã đào tạo trên 3.400 HS. Nhiều HS của trường về sau trở thành những nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, tướng lĩnh... Trưởng thành từ mái trường Trung học Lê Khiết có thể kể đến Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Anh hùng lao động, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê; nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, GS-TS Phan Kỳ Phùng; nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, GS-TS Phạm Duy Hiển... cùng hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học, sĩ quan cao cấp, nhà giáo, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước…
Đến năm 1990, Trường THPT Lê Khiết ra đời nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh. Khóa học đầu tiên có 352 HS được phân thành 7 lớp với 13 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Năm 1993, do điều kiện phát triển bậc THPT của tỉnh lúc bấy giờ, Sở GD&ĐT đề nghị tỉnh sáp nhập Trường chuyên cấp 2-3 tỉnh với Trường THPT Lê Khiết thành Trường THPT chuyên cấp 2- 3 Lê Khiết. Đến năm 1999, trường đổi tên thành Trường THPT chuyên Lê Khiết cho đến ngày nay.
Tuy có những bước thăng trầm theo thời gian, trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Trường THPT chuyên Lê Khiết vẫn không ngừng phát triển và đã đạt nhiều thành tích vượt bậc. Học sinh của trường được tuyển từ mọi vùng quê trong tỉnh, từ miền núi Ba Tơ, Trà Bồng cho đến hải đảo Lý Sơn... Trường đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT. Mục tiêu xuyên suốt của trường là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trường luôn xác định, muốn có trò giỏi trước hết phải có thầy giỏi, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính năng động, sáng tạo và tự học của HS.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố đặc biệt quan trọng là ý thức trách nhiệm và trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Bởi thế trường luôn tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Nhiều thầy cô đã nỗ lực vươn lên về mọi mặt, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng giảng dạy- giáo dục.
Tập thể cán bộ, giáo viên của trường luôn đi đầu trong các phong trào thi đua. Khi mới tái lập, trường chỉ có từ 4-5 thạc sĩ, giáo viên giỏi, đến nay đã có 40% GV có trình độ thạc sĩ, 80% giáo viên giỏi các cấp. Đội ngũ giáo viên cốt cán về chuyên môn ở tất cả môn học của tỉnh đều phần lớn là giáo viên của Trường THPT chuyên Lê Khiết. Giáo viên của trường chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp mới để đưa vào giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng. Hằng năm, trường có từ 25-30 sáng kiến kinh nghiệm có chất lượng áp dụng trong thực tế giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhà trường xác định đổi mới phương pháp giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai sâu rộng, nhờ vậy chất lượng giáo dục ngày càng phát triển ổn định.
Trong những năm qua, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển tổ chức đảng trong nhà trường. Ngày đầu mới thành lập, trường có không quá 10 đảng viên, đến nay Đảng bộ Trường THPT chuyên Lê Khiết có gần 50 đảng viên. Nhiều đồng chí là giáo viên của trường được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THPT, phó giám đốc Sở. Đặc biệt, Trường THPT chuyên Lê Khiết đã quan tâm phát triển đảng viên là học sinh, hiện nay các em đều thành công trong cuộc sống. Qua đó đã góp phần tạo động lực để học sinh nỗ lực học tập để được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết. |
Những kết quả đạt được góp vào Bảng vàng thành tích của nhà trường là công sức của bao thế hệ thầy và trò trong suốt 25 năm qua. Đó là 3 HS giỏi quốc tế, trong đó có em Trần Văn Nghĩa đạt Huy chương Bạc Olympic Toán lần thứ 39 năm 1999 tại Rumani; em Lê Viết Hà-Vô địch “Đường lên đỉnh Olympia“ toàn quốc năm 2007; 282 giải HS giỏi quốc gia; 414 giải HS giỏi cấp khu vực trong nước; trên 2.200 giải HS giỏi cấp tỉnh. Có trên 8.000 HS tốt nghiệp ra trường và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với những cương vị quan trọng trong các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương...
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người đã từng học tập dưới mái trường Trung học Lê Khiết, khẳng định: “Trường phổ thông trung học của Liên khu 5 trong những năm kháng chiến chống Pháp là một minh chứng hào hùng của sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và của Bác Hồ đối với sự nghiệp giáo dục. Nhà trường đã đào tạo cho Tổ quốc ta nhiều nhà hoạt động lớn cả về chính trị, văn hoá, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật“.
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Khiết vô cùng tự hào. Thành tích đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để thầy và trò nhà trường tiếp tục nỗ lực, nâng cao hơn nữa vị thế trong công tác chăm lo giáo dục, đào tạo nhân tài trong hệ thống các trường THPT chuyên trong toàn quốc.
Bài, ảnh: Trịnh Phương