Hồi ức về Trường Trung học Lê Khiết

09:08, 30/08/2015
.

*Phó Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khởi, Nguyên Viện nghiên cứu máy - Bộ Công nghiệp
(cựu học sinh Trường Trung học Lê Khiết giai đoạn 1945 - 1955)


(Báo Quảng Ngãi)- Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trường Trung học  Lê Khiết được thành lập. Năm học 1948-1949, tôi được vào học tại Trường Trung học Lê Khiết đặt tại thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa). Ngày 21.3.1949, trong lúc trường đang hoạt động dạy và học thì bọn thực dân Pháp ném bom bắn phá trường làm cho 13 người chết, trong đó có cô giáo dạy toán Trần Thị Cúc Hoa và 12 học sinh (HS).

TIN LIÊN QUAN

Cả hai cụm trường đều bị cháy. Thầy và trò nhà trường chia nhau về từng huyện và mượn trường học tạm đến hết năm học. Do cơ sở vật chất thiếu thốn, lại học trong thời chiến nên thời gian bắt đầu học của buổi sáng từ 4 giờ đến 7 giờ, buổi chiều từ 18 giờ đến 21 giờ. Mỗi khi lên lớp, HS phải mang theo đèn dầu. Có người hái quả mù u đem phơi khô, đập lấy phần nhân rồi thái lát, dùng que tre xâu lại, đem đốt và cắm vào một mẩu chuối non để chiếu sáng.

 

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết hôm nay.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết hôm nay.

Năm học 1949-1950, trường chuyển địa điểm lên xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Mỗi lớp là một túp lều riêng biệt cách nhau khoảng 200- 300m. Trước khi năm học bắt đầu, mỗi HS phải đào cho mình một hầm trú ẩn cá nhân để tránh máy bay địch bắn phá. HS ở đây không chỉ trong tỉnh mà còn tuyển sinh từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên… Nhiều em ở xa phải ở lại trường. Cuối tuần các em phải lội bộ hàng chục cây số về thăm nhà. Nhiều bạn không có dép,  đi chân đất đến trầy tróc cả da. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng HS có ý chí học tập rất cao.

Ngày ấy, đối với HS khó khăn hàng đầu là sách vở, giấy bút, mực vì phần lớn đều mua từ vùng tạm chiếm. Để khắc phục khó khăn, HS mượn sách của nhau để học. Sau giờ học trên lớp, mỗi HS tự học và tham gia học nhóm để cùng nhau giải bài tập trong sách giáo khoa và bài tập nâng cao. Các thầy, cô giáo tận tâm trong giảng dạy. Năm học 1950-1951, thì bắt đầu cải cách giáo dục. Cấp II được rút từ 4 năm xuống còn 3 năm; cấp III cũng được rút 3 năm xuống còn 2 năm. Lúc bấy giờ các huyện đã mở thêm trường cấp II.
 
Trường Trung học Lê Khiết đã đào tạo lớp giáo viên mới cho các huyện. Trong số các thầy mới mà tôi vẫn còn nhớ có Giáo sư Lê Hoài Nam sau này là Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Vinh rồi chuyển vào làm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn; Giáo sư-tiến sĩ Trần Tráng-nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc, Giáo sư Phan Ngọc Liên… Năm học 1952-1953, tôi được tuyển vào cấp III của Trường Trung học Lê Khiết. Chúng tôi chưa học hết chương trình lớp 8 thì trường bị địch bắn phá nên phải nghỉ học và về dạy cho các em HS lớp 5, lớp 6 của Trường cấp II Tư Nghĩa.

Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, nhiều HS của trường Lê Khiết được tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là ngôi trường được cho là “sáng giá” của cả nước lúc bấy giờ. Kết thúc khóa học đầu tiên ra trường, nhiều người được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.  

Ngày nay, các em HS Trường THPT chuyên Lê Khiết được học tập  trong điều kiện đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, với những phương pháp dạy học phù hợp, được kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, sẽ góp phần nâng cánh ước mơ cho những em HS ở vùng đất vốn có truyền thống hiếu học. Tin tưởng rằng, Trường THPT chuyên Lê Khiết sẽ tiếp tục phát huy truyền thồng đáng tự hào, có nhiều HS thành đạt, đóng góp công sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước.

.