(Báo Quảng Ngãi)- Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã mở ra cơ hội cho lao động nghèo có công ăn, việc làm, tạo thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Và thực tế, đã có nhiều lao động có thu nhập đáng kể, không chỉ thoát nghèo mà còn có tiền mua nhà, mua đất… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều người sau khi làm việc ở Malaysia về cuộc sống vẫn khó khăn.
TIN LIÊN QUAN
Ước mơ không thành
Nhà nghèo lại đông anh em nên anh Hồ Văn Út ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) muốn đi XKLĐ để giúp đỡ gia đình. Vì vậy, sau khi được tư vấn, năm 2009, anh quyết định đi lao động ở Malaysia. “Lúc đầu nghe họ giới thiệu đi làm bên đó lương mỗi tháng được 5-6 triệu đồng nên ai cũng mừng. Thế nhưng, thực tế, nếu ngày làm 8 tiếng thì lương chỉ được 2,5-3 triệu đồng/tháng. Còn ai muốn có lương cao hơn thì phải “cày ngày, cày đêm”, nhưng đâu phải ai cũng có sức khỏe để tăng ca. Trong khi đó, mọi chi phí, hàng hóa ở Malaysia đều đắt hơn so với Việt Nam mình”, anh Út chia sẻ. Tuy nhiên vì đồng lương quá ít ỏi, công việc vất vả, sức khỏe lại giảm sút nên sau một năm lao động ở Malaysia anh Út quyết định về nước trước thời hạn.
Sau khi XKLĐ về, anh Hồ Văn Út vẫn thuộc hộ nghèo. |
Song để có tiền mua vé máy bay về quê, anh phải làm việc cật lực, dè sẻn chi tiêu và thường xuyên nhịn ăn nhịn uống. Không chỉ riêng anh Út mà nhiều lao động ở xã Trà Thủy cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều trường hợp sau khi về nước phải đi làm thuê, làm mướn nhưng vẫn không đủ tiền để trả nợ.
Cần lựa chọn thị trường hợp lý
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao chỉ tiêu cho 6 huyện miền núi xuất khẩu 360 lao động. Để đảm bảo chỉ tiêu tỉnh giao, trong quý I/2015 Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 17 đợt tuyên truyền đến lao động các huyện miền núi. Tuy nhiên, trong quý I chỉ có 7 lao động xuất cảnh sang thị trường Malaysia làm việc, đạt gần 2% so với kế hoạch.
Anh Hồ Văn Xu-Bí thư Đoàn xã Trà Thủy cho biết, từ năm 2009 đến nay, Trà Thủy có 33 thanh niên đi XKLĐ ở thị trường Malaysia và là một trong những xã có số thanh niên sang Malaysia lao động cao nhất huyện Trà Bồng. Tuy nhiên, những năm gần đây rất ít lao động muốn đi Malaysia làm việc. Đầu năm 2015 này, thực hiện thông báo của Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, địa phương cũng đã đi tuyên truyền nhưng không có lao động nào đăng ký đi XKLĐ.
Theo anh Xu, trên địa bàn xã Trà Thủy có 5 lao động về nước trước thời hạn và tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Trong đó có hai trường hợp ở thôn 4 đã về nước nhiều năm nhưng vẫn chưa trả hết nợ. Riêng trường hợp lao động Hồ Văn Chiến mặc dù về nước đúng thời hạn, nhưng số nợ 23 triệu đồng vay lúc đầu để đi XKLĐ vẫn còn nguyên.
Ông Nguyễn Xuân Bắc-Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết, những năm trước đây, Trà Bồng là một trong những huyện có số lượng XKLĐ sang thị trường Malaysia thuộc loại cao của tỉnh. Nhiều con em địa phương sau khi đi lao động về đã có được một khoản vốn kha khá, góp phần tăng thu nhập, giảm hộ nghèo. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay số lượng lao động trên địa bàn huyện xuất khẩu sang thị trường Malaysia chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo ông Bắc, sở dĩ ngày càng có nhiều lao động quay lưng với thị trường Malaysia là do tiền lương không đảm bảo và sự đối xử của doanh nghiệp không hài hòa. Do đó, để công tác XKLĐ đảm bảo được chất lượng, huyện đang tập trung đào tạo nguồn lao động có tay nghề cao để đáp ứng được với những thị trường cao. Đồng thời Chính phủ cũng nên xem xét và lựa chọn những thị trường có thu nhập cao để lao động của Việt Nam không rơi vào cảnh trớ trêu khi lao động ở xứ người.
Hầu hết thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi của tỉnh trong diện XKLĐ đều có trình độ học vấn thấp. Do đó, đối với những thị trường “khó tính”, cần có trình độ tay nghề cao thì những lao động này khó có thể đáp ứng. Trong khi đó, thị trường lao động Malaysia lại “dễ dãi” hơn nên công tác tuyển chọn, đào tạo cũng còn qua loa. Chính điều này đã dẫn đến những hệ lụy sau khi lao động đã xuất cảnh. Chính vì vậy, để nguồn lao động được đảm bảo và tránh các trường hợp mức lương không đúng với thỏa thuận ban đầu, cũng như người lao động không bị ép lao động quá sức thì khâu đào tạo và tuyển chọn cần phải được quan tâm hơn, tránh tình trạng chạy theo số lượng.
Bài, ảnh: HỒNG HOA