Các trường ĐH trong tỉnh: Tạo cơ hội cho thí sinh

05:04, 09/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để các thí sinh không bỡ ngỡ trong việc lựa chọn ngành nghề và xét tuyển vào trường địa phương, Trường ĐH Phạm Văn Đồng và Trường ĐH Tài chính- Kế toán cơ bản vẫn giữ các khối thi truyền thống của kỳ thi ĐH “ba chung” vốn đã tồn tại suốt 13 năm qua, đồng thời tăng cơ hội để các thí sinh chọn lựa xét tuyển vào trường.

TIN LIÊN QUAN

Theo quy định, đến ngày 30.4 là hạn cuối đăng ký môn tự chọn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong việc lựa chọn xét tuyển vào trường địa phương, Trường ĐH Tài chính- Kế toán và ĐH Phạm Văn Đồng đã đưa ra phương án tuyển sinh riêng với nhiều lợi thế cho các thí sinh. Về cơ bản, hai trường vẫn giữ các khối thi truyền thống.

PGS.TS Phạm Đăng Phước- Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết: Năm nay, trường tổ chức tuyển sinh cả nước với tổng số 1.600 chỉ tiêu. Riêng các ngành sư phạm chỉ dành cho thí sinh có hộ khẩu tại Quảng Ngãi. Bậc ĐH 550 chỉ tiêu với các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm tiếng Anh và bậc CĐ 1.050 chỉ tiêu với 16 chuyên ngành.

Sinh viên Trường ĐH Tài chính- Kế toán trong giờ học.
Sinh viên Trường ĐH Tài chính- Kế toán trong giờ học.


Theo phương án tuyển sinh của Trường ĐH Phạm Văn Đồng, kỳ tuyển sinh 2015, nhà trường dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển; đồng thời trường cũng xét tuyển các khối như của kỳ thi tuyển sinh ĐH theo “ba chung” vốn đã thực hiện suốt 13 năm qua, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh đăng ký vào trường thuận lợi hơn và không bị xáo trộn trong năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài ra, nhà trường cũng dành 50 chỉ tiêu để tuyển số học sinh các huyện miền núi học các môn văn hóa 1 năm để xét ĐH, CĐ trong năm sau. Đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ các huyện miền núi về nguồn nhân lực.

“Trong những năm qua, trường đã ký biên bản ghi nhớ với nhiều doanh nghiệp lớn như Doosan Vina, FPT Đà Nẵng… cấp học bổng cho sinh viên, nhận sinh viên vào thực tập và làm việc. Phía nhà trường cũng giảng dạy theo chương trình đào tạo tích hợp các nội dung doanh nghiệp yêu cầu trong chương trình đào tạo chính thức. Vì vậy, sinh viên có thể tiếp cận công việc ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, trường đào tạo đa cấp nên các sinh viên trung cấp, cao đẳng có cơ hội liên thông tại trường và được hưởng chế độ chính sách như các trường khác”, PGS.TS Phạm Đăng Phước, nhấn mạnh. Theo PGS.TS Phạm Đăng Phước, để có thành tích cao trong kỳ thi cũng như chọn đúng ngành nghề theo sở trường, năng khiếu, các thí sinh cần tập trung vào một số môn. Đặc biệt, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh của các trường.

Đối với Trường ĐH Tài chính- Kế toán, nhà giáo ưu tú Bùi Phụ Anh-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh để xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015. Các môn thi dùng để xét tuyển được tổ hợp theo 3 nhóm và đó cũng là 3 khối thi truyền thống của kỳ thi “ba chung”, gồm khối A00 tương đương khối A truyền thống (Toán, Lý, Hóa), khối A01 tương đương khối A1 truyền thống (Toán, Lý, Anh) và khối D01 tương đương khối D1 truyền thống (Toán, Văn, Anh).

Điều đặc biệt là cả 3 tổ hợp nhóm trên thí sinh có thể dùng để xét vào tất cả các chuyên ngành của nhà trường. Năm 2015, nhà trường vẫn giữ nguyên quy mô với 1.700 chỉ tiêu, trong đó ĐH có 1.500 chỉ tiêu và CĐ 200 chỉ tiêu. Các ngành đào tạo bậc ĐH gồm Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính- Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; các ngành đào tạo bậc CĐ gồm Quản trị kinh doanh, Tài chính- Ngân hàng, Kế toán, Hệ thống thông tin quản lý.

Việc hai trường địa phương sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, đồng thời dựa vào các khối thi truyền thống của kỳ thi tuyển sinh ĐH theo “ba chung” trước đây tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh. Điều này góp phần giúp cho các thí sinh tránh được sự bỡ ngỡ trong kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.