Đăng ký môn thi và cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia: Cần cân nhắc thấu đáo

10:04, 05/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, từ ngày 1.4-30.4, học sinh lớp 12 đăng ký môn tự chọn cho kỳ thi THPT quốc gia 2015. Việc lựa chọn môn thi và cụm thi là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định đến kết quả của kỳ thi THPT quốc gia cũng như ngưỡng cửa của tương lai. Vì thế, nhiều học sinh đang hết sức đắn đo.

TIN LIÊN QUAN

Cân nhắc môn thi tự chọn

Theo quy chế tuyển sinh, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Phần lựa chọn đăng ký môn thi thuộc về quyền của thí sinh.

 

Học sinh Trường THPT Sơn Mỹ tham gia buổi tư vấn mùa thi 2015.
Học sinh Trường THPT Sơn Mỹ tham gia buổi tư vấn mùa thi 2015.


Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, dù quy chế mở ra nhiều cơ hội chọn môn thi cho thí sinh nhưng thí sinh nên cân nhắc trong việc đăng ký môn thi. Nếu chỉ để xét tốt nghiệp THPT thì các thí sinh chỉ cần thi 4 môn (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn). Đối với các thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH thì phải chọn thêm môn khác. Tuy nhiên để đảm bảo thời gian ôn tập, thí sinh cần lựa chọn những môn phù hợp với năng lực, sở trường, lựa chọn môn theo ngành vào ĐH để đủ điểm xét tuyển.

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh vẫn còn lo lắng và hết sức cân nhắc trong việc chọn môn thi. Bên cạnh đó, cũng có nhiều em xác định cho mình những môn tự chọn ngay từ đầu để có thời gian ôn tập tốt hơn. Em Nguyễn Thị Diệu Hiền (lớp 12BA5, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Mộ Đức) cho biết: “Theo sự tư vấn của người thân, em quyết định chọn ngành quản trị nhân lực của Trường ĐH Lao động và Xã hội TP.Hồ Chí Minh. Dựa vào những mùa tuyển sinh trước đây, em thấy trường tổ chức tuyển thí sinh các khối C, D, A1 truyền thống. Như vậy em dự định chọn thi môn Sử và Địa để có thể xét 2 tổ hợp môn vào ngành quản trị nhân lực của trường. Nhờ việc xác định môn thi tự chọn sớm đã giúp em có thời gian ôn tập nhiều hơn”.

Phân tích sâu hơn về sự lựa chọn đăng ký môn thi, TS. Trần Thế Hoàng- Trưởng Phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng, 3 môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT quốc gia giống như khối D1 truyền thống của kỳ thi 3 chung trước đây. Do đó thí sinh thi khối kinh tế thì đăng ký thêm 2 môn tự chọn là có thể sử dụng được 3 tổ hợp. Thí sinh cần tính toán, chọn môn vừa sức và không dàn trải, phù hợp với năng lực, sở trường để có đủ thời gian ôn tập đạt kết quả.

Thi cụm địa phương vẫn được xét tuyển ĐH, CĐ?

Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách 38 cụm thi liên tỉnh đóng tại 23 tỉnh, thành trong cả nước. Thí sinh Quảng Ngãi sẽ thi ở cụm thi số 28 tại tỉnh Bình Định, do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì gồm thí sinh hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Theo quy định, 38 cụm thi liên tỉnh này đều do các trường ĐH chủ trì. Các thí sinh dự thi ở cụm thi liên tỉnh có thể dùng kết quả vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tất cả thí sinh của cụm hợp thành một danh sách thí sinh duy nhất, sắp xếp theo thứ tự A, B, C..., không phân biệt thí sinh thuộc địa phương nào.

Các thí sinh nên cân nhắc kỹ môn thi tự chọn và cụm thi phù hợp với năng lực. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Các thí sinh nên cân nhắc kỹ môn thi tự chọn và cụm thi phù hợp với năng lực. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.


Ngoài ra, Bộ GD&ĐT dự kiến có khoảng 60 cụm thi do Sở GD&ĐT các địa phương chủ trì, phối hợp với các trường ĐH tổ chức. Cụm thi do Sở GD&ĐT địa phương tổ chức dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng xét công nhận tốt nghiệp THPT. Theo ông Huỳnh Văn Thái- Phó Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp - thường xuyên (Sở GD&ĐT), cho biết: Việc tổ chức thi tại cụm địa phương dành cho thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT nhằm mục đích hạn chế thấp nhất những tốn kém về việc đi lại cũng như các chi phí ăn, ở của thí sinh và người nhà; đồng thời giảm áp lực về tâm lý cũng như số môn thi cho các thí sinh không có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Theo số lượng đăng ký ban đầu, tỉnh ta có trên 10 nghìn em đăng ký thi cụm liên tỉnh và trên 4.000 em đăng ký thi tại cụm địa phương (chưa tính thí sinh tự do). Hầu hết trường nào cũng có thí sinh đăng ký thi tại cụm địa phương. Trường THPT chuyên Lê Khiết cũng có 7 em đăng ký thi cụm tại địa phương, đây là những thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia nên được tuyển thẳng vào đại học. Tại buổi tư vấn mùa thi diễn ra tại Trường ĐH Tài chính-Kế toán mới đây, nhiều em đặt ra câu hỏi xoay quanh việc thi tại cụm địa phương. Em Ngô Thị Bích Trâm- Học sinh Trường THPT Chu Văn An, băn khoăn: “Sau khi thi tại cụm địa phương, nếu em thay đổi ý định và muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì sẽ làm như thế nào và việc thi tại địa phương liệu có được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hay không?”.

Điều này được Nhà giáo ưu tú Bùi Phụ Anh- Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán giải thích, trong phương án tuyển sinh riêng của các trường ĐH thì có trên 120 trường ĐH sẵn sàng xét tuyển hệ ĐH, CĐ từ kết quả của thí sinh đăng ký cụm thi do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì. Vì vậy việc các em thi tại cụm địa phương vẫn có cơ hội học tại các trường ĐH, CĐ.


Đứng trước một kỳ thi khá mới mẻ, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn còn băn khoăn. Vì vậy, ngay trong thời điểm này, để các em có sự lựa chọn phù hợp môn thi, cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia cần sự quan tâm tư vấn từ nhiều phía.
 
*Ông Đoàn Dụng-Giám đốc Sở GD&ĐT:
Quy chế cũng nêu rõ đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Vì vậy các em cần học nghiêm túc để đảm bảo kiến thức cho kỳ thi. Trước thực tế của đợt đăng ký chọn cụm thi ban đầu, rất nhiều học sinh trường bán công mới chuyển sang công lập đăng ký thi tại cụm liên tỉnh.  Mới đây Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị công tác tuyển sinh nhằm tư vấn cho các em về việc chọn cụm thi phù hợp, đồng thời lưu ý để các thầy cô tư vấn cho học sinh thật kỹ trong việc lựa chọn cụm thi, tránh tình trạng các em trượt nhiều khi chọn cụm thi không phù hợp với năng lực.

*Nhà giáo ưu tú Bùi Phụ Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính-Kế toán:
Khi đã lựa chọn ngành nghề phù hợp, thí sinh sẽ cân nhắc kỹ môn thi tự chọn để tạo thành một tổ hợp xét tuyển vào ngành nghề mà trường đó yêu cầu. Hiện nay trên 120 trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng, dựa vào học bạ và kết quả của kỳ thi THPT quốc gia tại cụm địa phương để xét tuyển. Vì vậy các thí sinh thi tại cụm địa phương vẫn có cơ hội xét tuyển vào những trường này.

*PGS.TS Phạm Đăng Phước-Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng:
Trong thời gian tới, tỉnh ta có nhiều triển vọng vì có khu công nghiệp VSIP và phát triển mở rộng KKT Dung Quất… Nhu cầu lao động sẽ tăng cao. Vì vậy những ngành có nhiều triển vọng về việc làm là các ngành liên quan kỹ thuật như: Cơ khí, cơ điện tử, công nghệ thông tin… Ngoài trình độ đại học thì các doanh nghiệp, đơn vị cũng cần nhân viên có trình độ thấp hơn, vì vậy các em cần có sự cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành nghề. Ngoài ra, cũng cần phải cân nhắc về vấn đề tài chính của gia đình để chọn trường thích hợp.

*Ông Nguyễn Địch- Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ (TP. Quảng Ngãi):
Học sinh có học lực trung bình, yếu cần xác định rõ việc thi tại cụm liên tỉnh sẽ khó hơn cụm tại địa phương. Bởi cụm liên tỉnh có tính chất cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh. Thi tại cụm địa phương số môn ôn tập ít hơn, các em sẽ có nhiều thời gian để ôn tập và tính chất cạnh tranh không cao. Trên thực tế nhiều trường vẫn xét tuyển dựa vào học bạ và điểm thi tại cụm địa phương. Như vậy, các em HS có học lực trung bình, nên lựa chọn cụm thi tại địa phương để có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao hơn và vẫn có cơ hội vào học tại một số trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh đối với đối tượng này.             

 

 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 

.