Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ba Xa: Tên trường mới, nỗi lo cũ

10:01, 23/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Quyết định 1304/QĐ-UBND của UBND huyện Ba Tơ, thì từ ngày 28.10.2014 Trường THCS Ba Xa chính thức chuyển thành Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ba Xa. Dù đã mang tên mới nhưng cơ sở vật chất của trường hiện vẫn như cũ.  

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ba Xa một ngày đầu năm 2015. Học sinh và giáo viên vẫn bám trường, bám lớp để “đeo bám con chữ”, dù cuộc sống và sinh hoạt vẫn còn tạm bợ, đơn sơ.

 

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ba Xa sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ba Xa sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn.


Thầy Nguyễn Duy Bắc – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm 2012 trường được Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tài trợ xây dựng một nhà bán trú dân nuôi. Nhưng nhà chỉ có vỏ, các thiết bị khác như bàn ghế, giường tủ, mùng mền… vẫn chưa được trang bị. Trong khi đó, kinh phí của huyện và trường thì rất hạn chế nên không thể sắm sửa hay trang bị thêm. Mỗi năm học mới các em phải tự lo dụng cụ hoặc may mắn hơn thì được các đoàn thể, ban ngành ở địa phương, giúp đỡ, tài trợ mới đảm bảo cho sinh hoạt hằng ngày.

Hiện nay, học sinh ở bán trú tại trường đạt trên 70% số lượng. Lực lượng cán bộ nhân viên, giáo viên trường cũng đã đảm bảo theo các tiêu chuẩn của trường bán trú. Tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của trường thì không khác trước là bao. Trước những khó khăn của các em, thầy Nguyễn Duy Bắc trăn trở: “Học sinh ở đây đều là người đồng bào. Cuộc sống của các em còn nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó, nhà ở rất xa trường học nên việc đi lại của các em cũng vô cùng gian nan. Tuy trường đã có nhà bán trú cho các em, nhưng về cơ bản thì điều kiện vật chất chưa thể đảm bảo để cho các em sinh hoạt hằng ngày, nhất là về mùa mưa”.

 Dẫn chúng tôi đến nơi sinh hoạt hằng ngày của các em, gần như các phòng ở đều là những căn phòng trống. Phòng đầy đủ nhất chỉ có vài ba tấm sạp mà cha mẹ các em mang gỗ xuống đóng lại để cho các em ngủ cho đỡ lạnh, còn các phòng khác phần lớn các em phải trải chiếu nằm dưới đất. “Không những thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, mà bữa ăn hằng ngày của các em cũng rất sơ sài. Hôm nào về sớm thì các em cùng nhau ra suối, vào rừng hái rau, bắt cá thì bữa ăn mới thấy đầy đủ. Đã thế, các em còn phải ngủ dưới sàn nhà, lạnh nên cũng hay đau vặt lắm. Lúc nửa đêm, nửa hôm vì đau quá nên lên gọi các thầy cô để đưa đến phòng y tế xin thuốc. Thấy cảnh học sinh ăn ở thiếu thốn, chúng tôi thương lắm”, cô Phạm Thị Thụy-Phó Ban Quản lý đời sống của trường bày tỏ.

Dù đã mang tên mới nhưng điều kiện cơ sở vật chất của trường không khác mấy so với trường cũ. Rất mong các cơ quan chức năng sớm quan tâm để đảm bảo các điều kiện theo tiêu chuẩn của trường bán trú. Qua đó, giúp thầy trò của trường yên tâm trong công tác dạy và học để đảm bảo chất lượng giáo dục trong những năm học tiếp theo.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


 


.