(Baoquanngai.vn)- Chứng kiến từng lớp học sinh hoàn thành sự nghiệp học hành và thành đạt là tâm nguyện sâu xa của người thầy. Cũng vì tâm nguyện ấy, thầy Ngô Quang Vinh- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn) đã không ngừng cố gắng, tạo điều kiện hết sức cho các em học sinh nghèo được tiếp tục đến trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chiều muộn, mưa rả rích. Người thầy có dáng người dong dỏng cao sau khi sắp xếp xong công việc ở trường, lại tất bật chạy xe về phía xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Ở đó, đang có một hoàn cảnh học sinh khó khăn có nguy cơ không thể tiếp tục đến trường.
Tiếp thầy hiệu trưởng Ngô Quang Vinh trong ngôi nhà chật hẹp của mình, em Lê Thị Đào- học sinh lớp 11B9 Trường THPT Trần Kỳ Phong lặng lẽ rơi nước mắt. Em khóc không phải vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, mà cảm động và bất ngờ vì thầy hiệu trưởng đã đến tận nhà để động viên em đi học trở lại.
“Em là học sinh giỏi, lại là một lớp phó học tập của lớp với thành tích vô cùng nổi bật. Dù gia đình có khó khăn đến mấy cũng phải tạo điều kiện cho em đến lớp. Nhà trường sẽ cùng chung tay với gia đình”- giọng nói ấm áp của người thầy như đang sưởi ấm lòng của cô học sinh bé bỏng, ham học.
Thầy Ngô Quang Vinh đến tận nhà học sinh để động viên, khuyên gia đình cho các em tiếp tục đi học. |
Nghẹn ngào trong giây lát, bà Ngô Thị Thanh- bà nội của Đào chia sẻ: Nhà tôi nghèo quá, ba mẹ nó làm mãi mà thu nhập cũng chỉ 50-70 nghìn đồng/ngày. Làm sao nuôi nổi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Đào là chị cả nên định nghỉ học nhường cho hai đứa em.
Trong buổi đến thăm nhà thân tình ấy, thầy Vinh đã dốc hết sức lực để thuyết phục gia đình Đào. Với lời hẹn sẽ cho em một suất học bổng với những hỗ trợ cần thiết của thầy Vinh, Đào đã được gia đình cho phép đi học trở lại. Niềm vui vỡ òa trong lòng cô học sinh nhỏ. Niềm hy vọng khó nói thành lời cũng nhen nhóm trong lòng người thầy. Rồi đây, thêm một ước mơ được tiếp tục đến trường của học sinh, sẽ được tiếp tục chắp cánh.
Từ năm 2003 đến nay, nhiều suất học bổng như vậy đã được thầy Vinh cùng Ban giám hiệu nhà trường trao đến tay nhiều học sinh nghèo đang cần giúp đỡ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để có những phần tiền hỗ trợ cho các em, đó là cả một quá trình gian nan của người thầy hiệu trưởng.
Gần 30 năm làm nghề giáo, thầy Vinh đã không ít lần chứng kiến những hoàn cảnh éo le khi các em học sinh hiếu học nhưng phải dừng nửa chừng. “Hồi mới vào nghề, tôi chẳng thể giúp gì các em ngoài việc động viên tinh thần. Cũng có em vì gia đình khó khăn quá không thể học tiếp. Mỗi lần vậy là tôi thấy mình thực sự lực bất tòng tâm, áy náy vô cùng. Nhưng rồi tôi nhận ra, mình phải làm gì hơn thì mới có thể giữ các em ở lại trường”- Thầy Vinh bộc bạch.
Cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên thầy đi gõ cửa các doanh nghiệp để vận động tiền hỗ trợ cho các em. “Thật sự rất khó để những nhà tài trợ hiểu được các em đang cần được hỗ trợ như thế nào. Dù mình có nói hết nước hết cái thì số tiền thu về để trao cho các em cũng rất ít. Nên tôi đã nghĩ cách khác”- Thầy Vinh chia sẻ.
Bằng sự kiên nhẫn và tình thương yêu dành cho học sinh, thầy Vinh vẫn đang nỗ lực vận động các nhà hảo tâm giúp các em học sinh tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. |
Thế rồi, bằng sự kiên nhẫn và tình yêu thương dành cho học trò, thầy Vinh đã bắt đầu thiết lập được nhiều quan hệ với các nhà hảo tâm. Mỗi năm, các nhà tài trợ vẫn thường xuyên về trường thông qua kênh liên lạc của thầy Vinh để trao tận tay cho các em học sinh nghèo, nhằm ngăn dòng bỏ học. Theo quy định ban hành, không phải học sinh nghèo nào cũng được miễn giảm học phí. Do vậy, gánh nặng giúp đỡ học sinh nghèo được tiếp tục đến trường của thầy Vinh, lại ngày càng nặng thêm khi phải nghĩ cách để giúp các em.
Đến nay, bất cứ lúc nào thầy Ngô Quang Vinh nghe thông tin có hoàn cảnh học sinh nghèo, bỏ học, thì dù bộn bề với công tác quản lý, thầy đều đích thân đi vận động và hỗ trợ các em. Nắm kỹ từng hoàn cảnh học sinh với những chia sẻ kịp thời, hình ảnh của người thầy hiệu trưởng đã trở nên vô cùng gần gũi với học sinh.
Trường THPT Trần Kỳ Phong có hơn 1.600 học sinh. Đa số các em đều thuộc các gia đình nông dân, ngư dân nghèo. Do đó, việc quan tâm đến từng hoàn cảnh của thầy Vinh là vô cùng ý nghĩa. “Tôi đi dạy đã bao nhiêu năm rồi. Động lực để mình yêu nghề và gắn bó với nghề là sự trưởng thành của các em học sinh. Do vậy, giúp các em thực hiện những ước mơ có nguy cơ bị bỏ dở là trách nhiệm của người thầy”- thầy Vinh bày tỏ.
Bài, ảnh: Thanh Phương