Không chấm điểm học sinh tiểu học: Vẫn còn nhiều băn khoăn

10:10, 01/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ còn 2 tuần nữa là Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về việc thay chấm điểm học sinh (HS) tiểu học bằng lời nhận xét, đánh giá chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đến giờ trong tâm tư của không ít giáo viên (GV) và phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn.  

TIN LIÊN QUAN

Phụ huynh lo lắng

Chị Lê Thị Xuân Huệ (có con học lớp 3 Trường Tiểu học Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi), bộc bạch: “GV cho điểm thì mình yên tâm hơn, biết kết quả học tập của cháu hằng ngày từ đó có biện pháp giúp cháu tiến bộ hơn”.

 

 Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Thọ 1 (Sơn Tịnh) đang ngồi học theo mô hình trường học mới.
Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Thọ 1 (Sơn Tịnh) đang ngồi học theo mô hình trường học mới.


Nhiều phụ huynh nêu ý kiến, nếu ngành giáo dục triển khai phương pháp đánh giá không hiệu quả, chính xác, thì vô hình chung sẽ làm mất động lực phấn đấu của HS. Từ lớp 2 trở lên, HS phải học nhiều môn. Nếu đánh đồng thì không khéo ý thức phấn đấu của các cháu sẽ giảm đi. Phụ huynh đồng tình bỏ chấm điểm lớp 1, còn từ lớp 2 trở đi thì nên duy trì cách chấm điểm để các cháu có ý thức phấn đấu. Những chia sẻ của phụ huynh không phải không có lý, khi mà quá trình học tập của con mình chỉ gói gọn vào những câu nhận xét rất chung chung của giáo viên.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc xóa bỏ quy định chấm điểm sẽ giảm áp lực đối với HS tiểu học. Thầy giáo Nguyễn Xi-Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Tịnh Phong (Sơn Tịnh) bày tỏ quan điểm: “Nhận xét HS thay vì cho điểm số sẽ giảm áp lực cho trẻ, giúp trẻ tự tin hơn và cố gắng phấn đấu nhờ những lời nhận xét mang tính khuyến khích, động viên của GV”.

Tăng trách nhiệm cho GV

Thông tư 30 được Bộ GD&ĐT ban hành đã gây bất ngờ cho nhiều GV. Nhiều GV tâm tư rằng, lẽ ra Bộ GD&ĐT nên ban hành sớm quy định để tập huấn trước khi bước vào năm học mới. Từ ngày khai giảng đến nay, GV vẫn cho điểm HS. Đến ngày 15.10 phải dừng việc cho điểm và chuyển sang nhận xét bằng lời chắc chắn sẽ gây khó khăn cho HS, phụ huynh và cả GV.

Cô giáo Đỗ Thị Như Hoa- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), cho rằng: Với cách đánh giá HS bằng lời nhận xét GV sẽ quá tải. Vì cơ sở vật chất của trường còn thiếu nên có lớp bố trí trên 40 HS. Trước đây, GV cho điểm sẽ rất nhẹ nhàng. Bây giờ phải mất nhiều thời gian ngoài giờ để tập trung nhận xét mới kịp trả bài cho HS. Tuy nhiên, theo cô Hoa, nhận xét HS bằng lời có rất nhiều ưu điểm. Nếu các trường thực hiện tốt thì rất có lợi cho HS. Những lời nhận xét như “giỏi”, hay “em cần cố gắng hơn” sẽ giúp các em phấn khởi hơn là điểm số.

Ví dụ những em điểm 10 rất mừng, nhưng em điểm ít hơn thì mất tự tin. Những em có bản lĩnh thì cố gắng hơn, nhưng em không tự tin thì học tập sẽ ngày càng sa sút. Phụ huynh cũng thế, khi thấy con điểm 9, 10 thì rất mừng nhưng thấy điểm thấp thì không tự tin và bắt con phải đi học thêm ở nhiều nơi, thậm chí tìm mọi cách để con có thể có điểm số cao hơn. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với HS lẫn phụ huynh.

Bà Dương Thị Thu Thủy- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh, cho biết: Qua năm đầu thí điểm nhận xét bằng lời ở lớp 1 cho thấy việc đánh giá HS mang lại hiệu quả thiết thực. Bắt đầu từ năm học 2014- 2015, Bộ GD&ĐT triển khai Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT chỉ đạo thực hiện đồng loạt toàn cấp tiểu học từ ngày 15.10. Việc đánh giá của GV bao quát từ sự hình thành, phát triển một số năng lực và phẩm chất của HS. GV nhận xét trực tiếp hằng ngày ở các mặt, hoạt động ngoài giờ. Hằng tháng, cô giáo ghi vào sổ theo dõi từng em. Việc chấm điểm chỉ thực hiện ở bài thi giữa kỳ, cuối kỳ 1 và cả năm.

Trước ngày thực thi quyết định mới, cán bộ quản lý giáo dục và GV ở các trường tiểu học đề nghị Bộ GD&ĐT cần có các hướng dẫn cụ thể, cách làm thống nhất, tránh gây quá tải cho GV và sự lo lắng đối với cha mẹ HS.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.