(Báo Quảng Ngãi)- “Đây là Trường Sa, còn kia là Hoàng Sa, hai quần đảo của Việt Nam”, những học sinh Trường Tiểu học số 2 Bình Hải (Bình Sơn), vừa chỉ tay về mô hình sa bàn bản đồ Tổ quốc đặt giữa sân trường vừa ríu rít nói.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong một lần về Bình Hải giờ tan trường tôi bắt gặp những gương mặt rạng ngời của học sinh Trường Tiểu học số 2 Bình Hải. Em nào cũng ríu rít kể về sa bàn bản đồ Tổ quốc xây ở sân trường. Các em kể với niềm tự hào và đầy phấn khởi. Tôi liền háo hức tìm đến trường. Từ xa tôi đã trông thấy một hình tượng thiêng liêng - cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trên mô hình sa bàn bản đồ Tổ quốc.
Mô hình sa bàn bản đồ Tổ quốc trong sân Trường Tiểu học số 2 Bình Hải (Bình Sơn). |
Mô hình được xây dựng bằng bê tông với tỷ lệ 1/150.000, có hình dáng hệt như bản đồ Tổ quốc Việt Nam. Tại những điểm như: Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, TP.HCM, thủ đô Hà Nội hay Lũng Cú (địa đầu phía bắc), mũi Cà Mau (địa đầu phía nam) đều được cắm cờ Tổ quốc.
Thầy Nguyễn Thanh Long- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiệm vụ của trường học là giáo dục toàn diện cho học sinh về đức, trí, thể, mỹ. Muốn giáo dục về “Đức” trước hết phải giáo dục về lòng yêu quê hương đất nước, giúp học sinh hiểu được chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi con người Việt Nam. Vì thế, trường xây dựng mô hình này để hun đúc lòng yêu nước của học sinh.
Vào sáng thứ hai mỗi tuần, trong giờ chào cờ, hàng trăm học sinh ngồi xung quanh sa bàn để nghe giảng về chủ quyền biển đảo, biết được vị trí của quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những câu chuyện về đội hùng binh Hoàng Sa từ huyện đảo Lý Sơn đã giong buồm đến quần đảo Hoàng Sa để cắm mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Hoàng Sa, Trường Sa nơi mà cha mẹ các em ngày đêm bám biển mưu sinh. Tất cả học sinh của trường (thuộc thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) đều là con em của ngư dân, thế nên mô hình này càng thêm ý nghĩa.
Thầy Long cho biết, trước đây đã từng dự định tổ chức cho hàng trăm học sinh xếp hàng tạo hình bản đồ Việt Nam, tuy nhiên ông nghĩ rằng xếp hàng sẽ dễ phai mờ trong trí nhớ học trò. Vì thế, thầy quyết định tạo mô hình bằng bê tông để có thể tồn tại lâu, để ngày ngày các em đến trường đều được nhìn thấy, sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí các em.
Nhiều giáo viên của trường ví von rằng đây là mô hình “3 trong 1”. “Sa bàn này không chỉ góp phần giới thiệu về chủ quyền biển đảo quê hương cho học sinh, mà còn làm đẹp cảnh quan khi được trường tận dụng làm bồn trồng hoa. Ngoài ra còn là đồ dùng trực quan để giảng dạy về bản đồ hành chính Việt Nam trong môn địa lý”, thầy Long nói với chúng tôi trong niềm vui, xúc động để chúng tôi ra về mà vẫn đọng lại hình ảnh thân thương của ngôi trường.
Bài, ảnh: Cỏ Chi