Thư viện trên quê hương Hải đội Hoàng Sa

02:09, 21/09/2012
.

(QNg)- Trên huyện đảo Lý Sơn có một thư viện sách, báo "đặc biệt" nằm phía sau lưng tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đó là tấm lòng rất đặc biệt của Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ và bạn đọc ủng hộ dành cho vùng đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió này.

Với gần 3.000 đầu sách báo và tạp chí, thư viện không chỉ dành riêng cho học trò trên đảo mà những người yêu sách, báo cũng có thể tìm đến đọc. Ở đó còn có những đầu sách nói về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…


Thư viện nơi đảo xa…

Ý tưởng mở một phòng đọc sách báo trên huyện đảo Lý Sơn của báo Tuổi Trẻ đã được Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch đồng ý và chỉ sau hai tháng vận động, hơn 2.000 đầu sách các loại do Nhà xuất bản Trẻ, chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng tại miền Trung, Công ty sách Phương Nam và đoàn viên các chi đoàn báo Tuổi Trẻ đóng góp đã được chuyển từ đất liền ra đảo. Ngày 28/4/2010, khu lưu niệm Hải đội Hoàng Sa khánh thành và chính thức đưa vào phục vụ người dân huyện đảo và khách tham quan, cùng lúc phòng đọc sách của báo Tuổi Trẻ tại đây được khai trương. Sau hơn hai năm mở cửa, đã có hàng ngàn bạn đọc trên đảo tìm đến đây đọc, tra cứu tư liệu.

 

Các em học sinh đọc sách tại thư viện ở bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Các em học sinh đọc sách tại thư viện ở bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.


Nhiều bạn đọc, khách tham quan mỗi khi có dịp ra Lý Sơn đều mang theo sách báo ra tặng cho thư viện nên số lượng đầu sách ngày càng dồi dào. Chị Đặng Thị Hiền, nhân viên Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lý Sơn kiêm quản lý hướng dẫn viên bảo tàng cho biết, phòng đọc thu hút rất đông bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc trẻ, học sinh và các chiến sĩ trên đảo. "Vào những ngày hè, thứ bảy, chủ nhật, các em học sinh các xã trên đảo tìm về đọc chật kín cả căn phòng nhỏ. Đôi lúc không có chỗ ngồi các em mang sách ra hành lang, ra dưới chân tượng đài đọc một cách say sưa" - chị Hiền nói.


"Đọc sách, báo để biết chủ quyền đất nước…".

"Từ ngày có thư viện sách của báo Tuổi Trẻ, ngày nào cũng có hàng chục em nhỏ, cán bộ và người dân trên đảo tìm đến thư viện đọc sách. Nhiều người dân đến "cược" giấy chứng minh nhân dân để được mượn sách về nhà đọc. Họ bảo không có thời gian rỗi vào ban ngày nên mượn về tối đọc. Cho người dân mượn thì sợ sách hỏng nhưng thấy người ta mê đọc sách như thế không cho sao được" - chị Hiền tâm sự.

 Không chỉ đọc sách, nhiều người lần đầu tiên đến đây còn được xem những hình ảnh về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời kỳ phong kiến cho đến những tư liệu quý về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc trên hai quần đảo đó.


Em Nguyễn Thị Hồng Trinh, lớp 6 Trường THCS An Hải cho biết: Nhà em nghèo, quanh năm ngoài đọc sách học ở trường em chẳng có sách nào để đọc cả. Với lại trên đảo đâu có hiệu sách nào bán truyện tranh đâu. "Từ ngày có thư viện ngày nào em cũng lên đây đọc sách. Hôm nào có việc nhà không lên đây là thấy tiếc lắm" - Trinh tâm sự.

Những đầu sách được đặt trên kệ sách một cách ngay ngắn và theo từng thể loại nhất định. Với nhiều người yêu sách thì thư viện như là một "kho báu" văn chương mà mấy mươi năm rồi họ mới có cơ hội được đọc. Anh Nguyễn Văn Bình (thôn Đông, xã An Hải) tâm sự: "Tui từ ngày học phổ thông mê đọc truyện ngắn, tiểu thuyết nhưng hết học rồi thi rớt đại học đi làm biển nhưng mỗi khi thấy sách là "ghiền" lắm. Thấy cuốn nào hay là tui mua cho bằng được. Giờ ở thư viện có sách hay nên lúc nào rãnh là tui lên đây đọc sách không phải "cà kê dê ngỗng" nữa…".

Anh Ngô Văn Nghĩa - Quyền trưởng Phòng Văn hóa - thông tin huyện đảo Lý Sơn  cho biết từ ngày thư viện mở cửa trung bình mỗi năm có hơn 10.000 lượt bạn đọc tìm đến thư viện đọc sách. "Bên cạnh sách, báo, các bài phóng sự - hồ sơ liên quan đến Lý Sơn - Hoàng Sa - Trường Sa thì đọc sách còn giúp chúng ta hiểu hơn về chủ quyền của đất nước.  Đặc biệt là nhắc nhở các thế hệ trẻ hôm nay về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc…" - anh Nghĩa tâm sự.          

 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.