(Báo Quảng Ngãi)- Cái nóng của thời tiết không thấm vào đâu so với cái nóng của nhịp đập trái tim, của lòng yêu nước đang cháy bỏng trong mỗi người dân Việt Nam. “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, sự thật lịch sử và pháp lý ấy được thầy và trò Trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức) khắc ghi với những việc làm và suy nghĩ hết sức cảm động.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình
Từ lâu tôi đã biết ông giáo Trần Văn Vàng, người đã cất công sưu tầm tài liệu minh chứng “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” để giảng dạy cho các thế hệ học trò ở Trường THCS Đức Chánh nói riêng và huyện Mộ Đức nói chung. Tôi thường gọi thầy giáo Vàng bằng tên gọi thân thương là “ông giáo”, bởi lẽ năm nay ông đã gần 60 tuổi, được học trò rất đỗi yêu mến và kính trọng.
Ông giáo Vàng chỉ cho học sinh biết vị trí Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Mùa hè ở khúc ruột miền Trung nắng cháy da người. Thế mà ông giáo Vàng chạy xe băng băng ngoài đường để lo toan việc tìm kiếm tư liệu minh chứng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để giảng dạy cho học trò. Ông cũng đã vượt biển đến quê hương Hải đội Hoàng Sa. Mỗi khi nghe đâu đó sưu tầm được tài liệu cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông lại nóng lòng muốn đến xem và lưu lại qua chiếc máy ảnh cỏn con.
Mới đây, có dịp gặp lại, ông giáo Vàng cho biết: “Tài liệu giảng dạy đã hoàn tất rồi. Năm học này chắc Sở GD&ĐT triển khai dạy cho học sinh toàn tỉnh”. Lần gặp lại này, chúng tôi bắt gặp ở ông nỗi niềm sâu lắng. Cũng như bao con người mang dòng máu Lạc Hồng, ông giáo Vàng bức xúc trước sự phi lý, ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Làm gì có chuyện Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt, là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước. Chứng cứ lịch sử, pháp lý rõ ràng ra đấy”, ông giáo Vàng nói.
Ngồi trầm ngâm nghĩ về chủ quyền biển đảo không thể chối cãi của đất nước đối với Hoàng Sa, Trường Sa, nghĩ về âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và nghĩ về luật pháp quốc tế, ông giáo Vàng bộc bạch: “Chiến tranh đã khiến nhân dân ta gánh chịu nhiều khổ đau. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa hình, nhân dân thế giới cũng yêu chuộng hòa bình. Hòa bình chính là khát vọng sống lớn nhất của con người. Sức mạnh của sự đoàn kết, của chính nghĩa, của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới sẽ chiến thắng sự ngang tàng, bất chấp luật pháp quốc tế”.
Trong mỗi bài giảng về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ông giáo Vàng luôn căn dặn học trò: “Muốn gìn giữ hòa bình, các em phải học thật giỏi. Học giỏi để xây dựng đất nước giàu mạnh. Các em là những người làm chủ đất nước, phải ra sức bảo vệ và dựng xây đất nước”.
“Qua tranh vẽ của học sinh, dù đường nét thơ ngây nhưng toát lên lòng yêu nước, hướng về biển đảo. Các em luôn biết rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, thầy giáo Trịnh Minh Tường-Hiệu trưởng Trường THCS Đức Chánh, nói. |
Em yêu biển đảo quê mình
Mùa hè, nhớ trường, nhớ lớp, nhiều học sinh Trường THCS Đức Chánh lại đến ngồi dưới gốc phượng vĩ ở sân trường. Nhắc đến chuyện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, dẫu ở tuổi măng non, các em vẫn nhận thức rất rõ về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Em Nguyễn Thị Lệ Chi (lớp 9D) khẳng khái nói: “Ông cha ta từ lâu đã khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hành động phi lý của Trung Quốc càng khiến em thêm yêu biển đảo quê mình”.
Các em đã thể hiện lòng yêu nước qua sự phấn đấu học tập, qua tranh vẽ và những bức thư đầy cảm động gửi các chiến sĩ Hải quân. “Các anh ngày đêm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đối mặt với bao hiểm nguy nhưng các anh vẫn rất kiên cường. Em hứa sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện sức khỏe để mai này tiếp bước các anh bảo vệ biển đảo quê mình”, em Lương Tiểu Trúc (học cùng lớp với Nguyễn Thị Lệ Chi) mở lòng qua bức thư gửi các chiến sĩ Hải quân.
Đối với cô học trò Trần Thị Bích Thu (cũng là học sinh Trường THCS Đức Chánh), mỗi lần nghe thông tin thời sự diễn ra tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, cũng giống như nhiều thành viên trong gia đình, cô bé cảm thấy lòng nôn nao. Thu bảo: “Thấy tàu Trung Quốc ngang ngược đâm vào tàu của ta, em lo lắm. Lo nhưng em cũng hết sức tự hào vì các chú cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân của mình vẫn quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền. Em tự hào là người con của đất nước Việt Nam giàu tinh thần đoàn kết”.
Lòng yêu nước như máu, như thịt hiện hữu trong mỗi con người Việt Nam. Đúng như lời bộc bạch của ông giáo Vàng, khát vọng hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ dựa trên sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế của nhân dân Việt Nam là cao quý và chính đáng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ