Chính sách đối với trường chuyên còn nhiều bất cập (Kỳ 2)

02:07, 19/07/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Chưa tương xứng về cơ chế

Thực tế ở các trường chuyên cho thấy chế độ đãi ngộ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, ở tỉnh ta nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết không khỏi buồn lòng bởi cơ chế chính sách chưa tương xứng.


Mức hỗ trợ học sinh quá thấp
 
Không phải đơn giản để Trường THPT chuyên Lê Khiết có tỷ lệ học sinh giỏi các cấp luôn chiếm ngôi đầu bảng so với các trường trong tỉnh. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học rất cao, từ 90,3% năm học 2010-2011 lên 97,4% năm học 2012-2013. Năm học nào trường cũng có học sinh đỗ thủ khoa các trường ĐH tốp trên.
 
Thế nhưng không ít nhà quản lý giáo dục trong tỉnh lo ngại vì Trường THPT chuyên Lê Khiết chưa thật sự tạo sức hút mạnh mẽ đối với học sinh, thậm chí như đã nói nhiều học sinh ngậm ngùi “rời bỏ” trường chuyên.

Căn nguyên chủ yếu nằm ở cơ chế. Hiện mỗi tháng các em được phụ cấp 15%, con thương binh liệt sỹ là 25%, học sinh thuộc diện hộ nghèo thường trú vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu.

Mức hỗ trợ đối với học sinh quá thấp so với nhu cầu thực tế. Ban giám hiệu nhà trường tháo gỡ khó khăn bằng cách kêu gọi “mạnh thường quân” hỗ trợ học bổng cho học sinh.

 

Học sinh
Nhiều học sinh không mặn mà với kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia.

 

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Vợi thì khoảng kinh phí trao học bổng 900 triệu đồng/năm chẳng thấm vào đâu với mức chi phí học sinh phải chi trả như học đại học xa nhà. Trong khi đó, trường chuyên ở tỉnh, thành phố khác có chế độ đãi ngộ, khuyến khích đặc biệt.

Chẳng hạn như Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh  Khiêm (Quảng Nam) hỗ trợ 750.000 đồng/tháng cho học sinh nội thành và 1 triệu đồng/tháng cho học sinh ngoại thành. Các trường chuyên ở Đà Nẵng thì 100% học sinh được ở ký  túc xá…

Hơn 20 năm năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở trường chuyên, thầy giáo Lê Văn Trung, trưởng bộ môn Hóa đúc kết: Nhiều học sinh ở trường huyện học rất giỏi, đặc biệt là Bình Sơn, Đức Phổ. Các em nếu được chăm chút sẽ bứt phá mạnh mẽ về năng lực. Dẫu vậy, thực tế cho thấy nhiều em chọn học ở trường “làng”.

Nhiều em năng lực có thừa, nhưng không mặn mà với việc thi học sinh giỏi. Qua nắm bắt tâm tư của học sinh, nhiều giáo viên lý giải, chế độ khuyến khích đối với học sinh quá ít ỏi, nhất là chế độ dành cho học sinh giỏi.

“Để đạt được HSG Quốc gia phải dày công khổ luyện mà cầm giấy khen với mấy trăm nghìn thì chẳng thể động viên, khích lệ cho các em. Bởi thế mà nhiều em có năng lực thực sự chẳng mặn mà với danh hiệu này”- thầy Trung chia sẻ.

Trải thảm đỏ “hút” giáo viên

Đây là điều mà từ lâu Ban giám hiệu nhà trường ngày đêm mong đợi. Lâu nay chính sách thu hút giáo viên của trường này chẳng mấy “sáng sủa”.

Để có trò giỏi cần thiết phải có thầy giỏi. Không đơn giản để có học sinh giỏi quốc gia, nhiều giáo viên dạy đến khảng giọng, hao gầy, mang các em về nhà cùng ăn, cùng ở, cùng học để giúp học sinh làm nên thành tích. Thế mà mỗi tiết dạy bồi dưỡng giáo viên chỉ được hưởng mấy chục nghìn đồng.

 

giáo viên
Lâu nay chính sách thu hút giáo viên của trường này chẳng mấy “sáng sủa”.

 

Đành rằng yêu nghề nhưng “có thực mới vực được đạo”, phải có cơ chế khuyến khích, động viên thỏa đáng. Ông Hồ Tấn Yên-Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT) cho rằng, cần phải tính toán lại cơ chế chính sách cũng như quy định ràng buộc đối với giáo viên trường chuyên.

Hiện tại có nhiều giáo viên trường chuyên dạy thêm ở nhà, đây là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm. Cùng với đó, theo ông Yên chất lượng trường chuyên ở tỉnh ta đang “có vấn đề”, phải tăng cường đầu tư để thu hút nhiều học sinh giỏi, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.  So với các tỉnh, chất lượng trường chuyên ở tỉnh có chiều hướng đi xuống.

Thực tế đáng buồn là Trường THPT chuyên Lê Khiết đã nhiều phen bỏ lỡ cơ hội tuyển dụng giáo viên giỏi.  Cô Vũ Thị Liên Hương- Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết cho biết, có nhiều ứng viên hội tụ đủ các điều kiện, đã có quyết định tuyển dụng về trường, nhưng đến phút “90”, họ quyết định “đầu quân” cho trường chuyên ở các tỉnh khác thay vì về Quảng Ngãi cũng chỉ bởi chính sách thu hút nhân tài.

Thầy Trần Đình Vợi đề nghị: “Nhà trường rất mong tỉnh sẽ thực hiện cơ chế về chính sách, đãi ngộ theo Nghị định 61 của Chính phủ về ưu đãi cho cán bộ, giáo viên trường chuyên biệt. Nâng kinh phí được cấp hằng năm ít nhất bằng 200% mức chi cho trường không chuyên cùng cấp học để nhà trường có kinh phí mua sắm trang thiết bị thí nghiệm, thực hành, cho việc bồi dưỡng HSG…”.

Chế độ đãi ngộ giáo viên đi học, đào tạo nâng cao trình độ cũng cần được quan tâm đúng mức. Lãnh đạo Trường THPT chuyên Lê Khiết cho rằng, tỉnh cần quan tâm đến chế độ đãi ngộ giáo viên bởi hiện nay các trường chuyên ở các tỉnh, thành phố khác đang trải thảm đỏ để “hút” giáo viên.

Cần phải sàng lọc

Cùng với việc tăng cường cơ chế thu hút nhân tài, khâu sàng lọc để có được đội ngũ giáo viên thật sự chất lượng đối với Trường THPT chuyên Lê Khiết cũng là điều cần phải bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải điều chuyển công tác ra khỏi trường chuyên đối với giáo viên công tác tại trường trong 15 năm nhưng chưa từng dạy lớp chuyên, sẽ được chuyển hợp lý ra khỏi trường, trừ những thầy, cô đã đóng góp xuất sắc cho trường và những thầy cô còn cống hiến không quá 5 năm cho ngành.

Đối với giáo viên được tuyển dụng về trường trước năm 2011, nếu sau 10 năm giảng dạy, nếu không có học sinh lớp chuyên đạt học sinh giỏi quốc gia cũng sẽ bị điều chuyển công tác.

 

Để
Để trường có chất lượng đào tạo xứng tầm với trường chuyên cần thiết phải có quan tâm đầu tư thỏa đáng.



Những giáo viên được tuyển dụng sau năm 2011 đã học xong thạc sỹ sau 5 năm giảng dạy phải có học sinh giỏi đạt giải Quốc gia. Nếu chưa học thạc sỹ thì sau 8 năm giảng dạy phải hoàn thành chương trình cao học và có học sinh giỏi đạt giải Quốc gia. Nếu không hội tụ đủ các điều kiện trên cũng bị chuyển ra khỏi trường.

Đội ngũ giáo viên cũng phải đạt chuẩn ngay từ khi tuyển dụng vào trường chuyên. Chọn những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm bồi dưỡng HSG cả trong và ngoài tỉnh tình nguyện về công tác, đồng thời thực hiện cấp đất, hỗ trợ tài chính… để họ yên tâm cống hiến.  

Về vấn đề này, ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD&ĐT quả quyết: “Cần thực hiện phương án thi tuyển để đảm bảo chất lượng, đặc biệt ưu tiên cho những ứng viên tốt nghiệp sư phạm, nguyên là học sinh giỏi Quốc gia từ giải nhất đến giải ba dù đã đủ biên chế, để tạo nguồn”.

Để Trường THPT chuyên Lê Khiết có chất lượng đào tạo xứng tầm với trường chuyên trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân trong tỉnh cần thiết phải có quan tâm đầu tư thỏa đáng.  

 

Bài, ảnh: P. Lý- A. Kiều
 


.