(Baoquangngai.vn)- Từ lâu, người dân Quảng Ngãi đặt kỳ vọng vào Trường THPT chuyên Lê Khiết. Trường được ví như “chiếc nôi” đào tạo nhân tài. Tuy nhiên, công tác dạy và học cùng với cơ chế chính sách đối với trường chuyên còn nhiều bất cập.
Kỳ 1: Nỗi niềm “mất” học sinh Thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Khiết không phải chuyện dễ. Đó là mơ ước, là niềm tự hào và vinh dự của học sinh và các bậc phụ huynh. Thế nhưng trên thực tế có nhiều học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết đành phải “bỏ” về học trường làng. Nguyên nhân vì sao? |
Ngậm ngùi chia tay trường chuyên
Dưới cái nắng hè chói chang của những ngày giữa tháng 6, sân Trường THPT chuyên Lê Khiết rộn ràng bởi học sinh khắp nơi về trường để dự thi vào lớp 10 với khí thế hừng hực, thì tại phòng hiệu trưởng, một khung cảnh ngược lại khiến ai chứng kiến cũng đượm buồn.
Cầm trên tay “Đơn xin chuyển trường” và học bạ có điểm trung bình các môn là 8.0 của em Phạm Thị Ngọc Huyền, học sinh lớp 10 chuyên Anh 1, ông Phạm Ngọc Độ (bố Huyền) ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) ngậm ngùi: “Mong thầy xem xét giải quyết giúp cho cháu để chuyển về học Trường THPT Trần Kỳ Phong. Gia đình khó khăn quá mà chi phí cho việc học xa nhà lại quá lớn nên gia đình không kham nổi”.
Anh Phạm Ngọc Độ xin chuyển trường cho con. |
“Nếu chúng tôi có ký túc xá, anh có thay đổi ý định không?”, ông Trần Đình Vợi-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết hỏi. Ông Độ vội đáp: “Được vậy thì tốt quá. Phụ huynh chúng tôi rất mong điều ấy, nghe nhà trường đề cập từ lâu nhưng nay vẫn chưa thấy đâu…”.
Ông Độ cho hay, mỗi năm gia đình ông phải tốn ít nhất 25-30 triệu đồng cho việc học xa nhà của con gái Phạm Thị Ngọc Huyền, nào là tiền thuê nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền học phí, tiền học thêm…
Trường THPT chuyên Lê Khiết hiện có trên 1.150 HS, trong đó có hơn 540 HS ở huyện, còn lại là học sinh ở thành phố. Có 73 học sinh vùng khó khăn; 23 học sinh thuộc hộ nghèo, 41 học sinh thuộc hộ cận nghèo; 20 học sinh con thương binh. Việc đầu tư xây dựng ký túc xá là bức thiết, nhằm giúp các em yên tâm học tập. |
“Về Trường THPT Trần Kỳ Phong, dù môi trường học tập không bằng ngôi trường này, nhưng gia đình đỡ gánh lo tiền bạc”, ông Độ bộc bạch. Điều khiến ông Độ trăn trở cũng là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh ở quê có con học cấp 3 trường chuyên.
Con thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Khiết đối với bậc làm cha làm mẹ mà nói thì hãnh diện vô cùng. Bởi nơi đây là "cánh chim đầu đàn" của tỉnh về chất lượng giáo dục, là môi trường thuận lợi để học sinh tư duy, nâng cao trí tuệ.
Thế nhưng buồn là nhiều học sinh ở trường huyện gia cảnh khó khăn, không kham nổi khoản kinh phí ăn ở giống như học đại học xa nhà. Giống như bao người bạn đồng môn, cô học trò Phạm Thị Ngọc Huyền đành ngậm ngùi chia tay trường chuyên…
Theo thống kê của trường, năm học 2011-2012 trường có 8 học sinh chuyển đi, năm học 2012-2013 có 4 học sinh chuyển đi, năm học 2013-2014 có 12 học sinh chuyển đi. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Đình Vợi cho biết, phần lớn học sinh chuyển về học ở quê, vì học ở thành phố tốn kém, nhất là khoản chi phí ăn ở.
“Dài cổ” chờ ký túc xá
Trải qua hàng chục năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, đối với thầy Trần Đình Vợi thì không gì buồn bằng mỗi khi ký vào đơn xin chuyển trường của học sinh. “Quá xót xa, tiếc nuối nhưng biết làm sao được. Không có ký túc xá, điều kiện kinh tế không cho phép nên học sinh phải chuyển về học ở quê”, thầy Vợi nói.
Việc học sinh “rời bỏ” môi trường giáo dục hàng đầu của tỉnh khiến nhiều người xuýt xoa. Để “trụ” lại trường chuyên trong điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều học sinh ở các huyện phải đi làm thêm để có tiền trọ học.
Không có kí túc xá là rào cản lớn nhất khiến nhiều em học sinh không mặn mà thi vào trường chuyên dù năng lực có thừa (ảnh minh hoạ). |
Một học sinh cho hay, em ở trọ không phải trả tiền, chủ nhà cho ở để con họ noi gương học tập. Theo thầy Vợi, một số người thương học sinh của trường giàu nghị lực nên đã cho ở trọ miễn phí. Đây cũng là cách giúp học sinh tháo gỡ khó khăn về chỗ trọ, tuy nhiên không phải học sinh nào cũng may mắn được gia chủ “chiếu cố”.
Trường không có ký túc xá để học sinh trọ học, khiến nhiều bậc phụ huynh không an tâm. Nỗi lo ấy hoàn toàn có lý bởi con em họ đang ở độ tuổi “nhạy cảm”, ranh giới giữa cái nên và cái hư rất đỗi mong manh.
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, nhiều người phấn khởi, nhất là đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện đang học trường chuyên khi hay tin UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển Trường THPT chuyên Lê Khiết giai đoạn 2010-2020.
Theo đó, trong giai đoạn 1 (2010-2015) học sinh sẽ có ký túc xá để ở. Tuy nhiên, chờ mãi đến nay việc xây dựng ký túc xá vẫn “nằm trên giấy”. Nhiều gia đình chật vật lo toan tìm chỗ trọ học cho con. Thầy Vợi thở dài: “Lâu nay trường đề nghị cấp trên quan tâm xây dựng ký túc xá để học sinh ở huyện đỡ vất vả, nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy đâu”.
Kỳ 2: Chưa tương xứng về cơ chế
Bài, ảnh: P. Lý- A. Kiều