(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT quy định không dạy chữ cho học sinh trước khi vào lớp 1 để tránh tạo áp lực, thế nhưng các em vẫn bị con chữ đè nặng. Nguyên nhân vì sao?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không muốn con thua bạn
Hơn 1 tháng nay, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ) vất vả chở con gái đang học mầm non đi học chữ. Một tuần 4 buổi, sau khi cháu bé tan học ở trường chị Thủy chở một mạch đến nhà cô giáo. Có đến hai cô giáo tiểu học dạy chữ cho cháu bé. Một cô dạy thứ hai, thứ tư, cô kia dạy thứ năm, thứ bảy. Chị không sợ bé căng thẳng sao?-Tôi hỏi. Chị Thủy đáp: “Không đâu, chỉ học tiếng rưỡi thôi. Trường không dạy nên cho học ở ngoài chứ bé sắp vào lớp 1”.
Cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) giúp học sinh uốn nắn từng con chữ. |
Còn 5 tháng nữa mới đến năm học mới, thế nhưng hiện tại nhiều bậc cha mẹ có con sắp vào lớp 1 đã cho con đi học chữ. Nhiều người lý giải, không thể yên tâm khi con mình vào lớp 1 mà chưa biết chữ, trong khi con người khác đã biết chữ. “Con mình chưa biết chữ sẽ học chậm hơn. Lớp có nhiều học sinh, cô giáo không thể kèm con mình mãi. Cho cháu học chữ trước cho yên tâm”, chị Huỳnh Thị Mỹ Duyên (ở phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi), bộc bạch.
Theo chương trình cải cách giáo dục, việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1 là trái với quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, để xóa bỏ áp lực cho con học chữ trước khi vào lớp 1 từ phía các bậc phụ huynh không phải đơn giản. Một nhà giáo có thâm niên dạy tiểu học gần 30 năm thở dài: “Ở nhà tôi cũng có cháu nội sắp vào lớp 1. Mình trong nghề nhưng không khuyên được. Mẹ cháu cũng lo lắng tìm thầy dạy chữ cho con”.
Phiền toái trong giảng dạy
Cô giáo Trương Thị Thu Thảo-Tổ trưởng tổ 1, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho biết, khi mới vào lớp 1 có khoảng 80% học sinh của trường đã biết đọc, biết viết, còn lại khoảng 20% nhận biết được 24 chữ cái. Theo cô giáo Trương Thị Thu Thảo, việc phụ huynh cho con học chữ trước dẫn đến trình độ học sinh không đồng đều. Học sinh học trước thường có tâm lý chủ quan, ít tập trung. Học sinh chưa học thì cảm thấy thua thiệt, mặc cảm. “Học sinh có tâm lý chủ quan ngay từ đầu dẫn đến sau này khó giảng dạy. Tốt nhất trong chương trình của Bộ GD&ĐT quy định đến đâu học đến đó”, cô giáo Thảo nói. Ông Đặng Phiên-Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) thì cho rằng: “Ngành giáo dục không yêu cầu học sinh khi vào lớp 1 phải biết đọc, biết viết. Cần tạo cho học sinh sự thoải mái trong học tập”.
Đối với học sinh học chữ trước khi vào lớp 1 không phải em nào cũng biết viết đúng cách theo quy định của ngành giáo dục. Nhiều học sinh bị sai ở điểm đặt bút, dừng bút; độ cao, độ rộng của chữ và các loại nét… Theo các giáo viên tiểu học thì việc sửa chữa thói quen khi viết chữ của học sinh rất vất vả.
Xoay quanh việc nên hay không nên cho học sinh học chữ trước khi vào lớp 1 tồn tại không ít mâu thuẫn và phiền toái. Để tham gia cuộc thi ViOlympic, đòi hỏi học sinh lớp 1 phải biết đọc mới hiểu yêu cầu đề thi, trong khi học theo chương trình sách giáo khoa các em chưa thể đọc được nếu không học chữ trước khi vào lớp 1. Một giáo viên cho hay, để đạt thành tích cao trong cuộc thi cô giáo buộc phải chọn bồi dưỡng những em đã biết chữ. Qua đây phần nào cho thấy sự thiệt thòi đối với học sinh nếu không được học chữ trước khi vào lớp 1. Rõ ràng áp lực từ căn bệnh thành tích vẫn còn đè nặng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ