(Báo Quảng Ngãi)- Xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo nội dung Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, ở Quảng Ngãi, nhiều năm qua có nhiều sàn giao dịch được mở, nhiều đợt tuyên truyền để thúc đẩy XKLĐ. Vậy mà số lượng XKLĐ ở 6 huyện miền núi Quảng Ngãi hằng năm luôn đạt thấp. Bài toán XKLĐ cho miền núi đang cần lời giải...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quay lưng với XKLĐ
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có gần 750.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 98.000 người lao động ở thành thị và 606.000 người lao động nông thôn. Và mỗi năm "quân số" được bổ sung thêm khoảng 23.000 người bước vào độ tuổi lao động.
Một lớp đào tạo nghề trước khi xuất khẩu lao động. |
Để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, hằng năm Trung tâm giới thiệu việc làm phối hợp với các huyện miền núi mở sàn giao dịch để tư vấn người lao động chọn lựa ngành nghề, XKLĐ.
Cứ mỗi khi tổ chức sàn giao dịch, người đến nghe ngóng nhiều. Bởi tất cả đều có tâm lý là tham gia XKLĐ, chịu khó xa gia đình trong một thời gian, tích cực lao động để có một nguồn tích lũy. Khi trở về nước có vốn làm ăn... Thế nhưng, sau khi nghe thông báo về thị trường lao động, nhu cầu, ngành nghề tuyển dụng, mức lương... thì nhiều lao động "lắc đầu". Vì vậy, số lượng đăng ký để XKLĐ rất ít.
Năm 2013, Trung tâm giới thiệu việc làm đã mở 7 sàn giao dịch ở 6 huyện miền núi để tư vấn, thu hút nguồn lao động thì đã có 663 người tham gia, nhưng chỉ có 177 người đăng ký XKLĐ.
Con số này "rơi rụng" dần qua các bước: Đào tạo nghề, học ngoại ngữ, vay vốn để làm thủ tục xuất cảnh, nên chỉ còn khoảng 40 - 50% trong tổng số lao động đăng ký được sang nước ngoài lao động. Năm 2013, con số có tăng hơn nhưng chỉ có gần 60% được xuất cảnh. Thị trường chủ yếu là Malaysia, còn các nước có nguồn thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có nhưng số lượng rất thấp.
Tại phiên giao dịch việc làm đầu năm Giáp Ngọ ở huyện Ba Tơ, hàng trăm thanh niên người Hrê ghé vào sàn giao dịch để tìm cơ hội. Nhưng sau khi biết thông tin thị trường, điều kiện để XKLĐ... nhiều thanh niên không tham gia. Vì vậy, số lượng đặt ra trong tuyển dụng lao động xuất khẩu tại sàn giao dịch này là 400 chỉ tiêu, nhưng chỉ có 10 thanh niên đăng ký.
Còn nhiều rào cản...
Nguyên nhân dẫn đến việc người lao động không "mặn mà" với XKLĐ có nhiều, nhưng tựu trung là trình độ nghề của lao động miền núi còn thấp, mức lương xuất khẩu ở một số thị trường không cao; công tác tuyên truyền về XKLĐ chưa đúng mức...
Qua thống kê, những năm gần đây thị trường XKLĐ mà con em đồng bào dân tộc tham gia chủ yếu ở Malaysia. Lao động ở nước này chủ yếu là thủ công, lương chỉ có 6 - 6,5 triệu đồng/tháng chưa trừ tiền ăn uống. Như vậy, theo tính toán, trong một tháng, một lao động chi tiêu dè sẻn từ 2 - 2,5 triệu đồng, thì còn khoảng 4 triệu đồng tích lũy. Số tiền này không lớn so với trong nước. Trong khi đó, một số huyện miền núi đã phát triển cây nguyên liệu keo, mía, mì, dây mây... Những loại cây này có giá đã thu hút người lao động làm công, với mức thu nhập từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày. Vất vả nhiều, nhưng họ được sống gần gia đình, gánh vác cùng người thân để lo cho con cái học hành. Chính vì vậy, thị trường XKLĐ không còn hấp dẫn.
Ông Phạm Văn Nhiết - Chủ tịch UBND xã Ba Liên (Ba Tơ), trao đổi: "Trước đây trong xã có 4 người sang Malaysia lao động nhưng mới chỉ 2 năm đã bỏ về vì lao động chân tay khá nặng nhọc mà lương không cao. Thấy cảnh này, nhiều lao động nản lòng không muốn tham gia XKLĐ mà chỉ đi làm thuê cho chủ trồng rừng hoặc thu hoạch mía cho nông dân Đức Phổ, Nghĩa Hành. Do vậy, hằng năm huyện giao chỉ tiêu rất thấp nhưng vẫn không có lao động đăng ký. Năm nay, huyện giao chỉ tiêu chỉ có 5 người nhưng chắc chắn cũng không thể nào hoàn thành chỉ tiêu này".
Một vấn đề khác là nhiều người muốn tham gia XKLĐ nhưng không có tiền đóng lệ phí, dù Nhà nước đã có chính sách cho vay. Bởi, tâm lý bà con lo ngại vay tiền làm thủ tục, nhưng không biết sang nước bạn lao động có thu nhập cao để trả nợ hay không. Nếu không đảm bảo thời hạn bỏ về nước sớm thì lấy gì trả nợ. Vì vậy mà chỉ tiêu XKLĐ hằng năm không cao.
Còn thị trường XKLĐ có thu nhập cao như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... thì cần lao động có trình độ chuyên môn, có tay nghề cao, nhưng nhiều lao động là con em đồng bào dân tộc không đủ tiêu chuẩn để tham gia.
Chính những rào cản nêu trên làm cho XKLĐ ở 6 huyện miền núi cứ dậm chân tại chỗ. Việc mở sàn giao dịch thì nhiều, nhưng người đăng ký tham gia XKLĐ rất ít và qua sàng lọc các tiêu chuẩn để đảm bảo XKLĐ thì số lượng sang nước ngoài lao động càng ít hơn.
Bài toán thị trường nào cho XKLĐ con em đồng bào dân tộc thiểu số ở 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi rơi vào cảnh bế tắc, nên rất cần có một hướng mở, một "cú huých" cho XKLĐ miền núi đạt chỉ tiêu, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
*Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Thị Hoa Vinh: "Cần tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của đối tác” Tình trạng lao động đi rồi bỏ về sớm trước thời hạn xảy ra còn nhiều. Điều này gây ảnh hưởng đến nguồn lao động ở địa phương. Huyện sẽ chỉ đạo cho các xã, các cộng tác viên, già làng, trưởng thôn tuyên truyền về XKLĐ sâu sát hơn. Như gặp gỡ từng đối tượng để hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, phân tích lợi ích của XKLĐ; xử lý các tình huống xảy ra, tránh trường hợp lao động hoang mang bỏ về trước thời hạn... Bên cạnh nỗ lực của địa phương tạo nguồn lao động chất lượng thì các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm cũng nên tìm hiểu các doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng lao động phải đảm bảo những cam kết. Tránh trường hợp lao động làm việc theo kiểu giã gạo, mùa vụ, số lượng ngày làm việc không đảm bảo, mức lương thấp... làm cho người lao động nản lòng. *Ông Nguyễn Văn Triệu - Trưởng Phòng LĐ -TB &XH huyện Ba Tơ: "Chú trọng chất lượng lao động” Hằng năm huyện có khoảng 1.200 người bước vào độ tuổi lao động, có khoảng 600 - 700 lao động tìm việc làm. Huyện xác định công tác XKLĐ là mục tiêu để xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, qua theo dõi các thị trường XKLĐ lâu nay, người dân không mấy mặn mà. Như thị trường Malaysia, tuy "dễ tính", nhưng mức thu nhập quá thấp. Còn các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... có thu nhập cao thì lao động miền núi đa số không đáp ứng được. Trong thời gian đến, huyện sẽ phối hợp với nhà trường, với trung tâm đào tạo nghề để nâng cao trình độ chuyên môn lẫn trình độ văn hóa cho người lao động, đáp ứng nhu cầu XKLĐ đến các nước có thu nhập cao. *Ông Đoàn Khắc Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi: "Tăng cường khâu tuyển chọn lao động" Lâu nay chúng ta thường chú trọng đến chỉ tiêu, nên tuyên truyền với mọi hình thức. Khi có đối tượng đăng ký là vội vàng đưa vào danh sách lập hồ sơ. Khi tuyển đi đào tạo nhiều lao động sức khỏe không đảm bảo, chọn ngành, nghề và thị trường không phù hợp là nguyên nhân dẫn đến lao động sang nước ngoài bị trả về địa phương. Điều này đã gây hoang mang cho các đối tượng khác. Năm 2014, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan làm thủ tục sơ tuyển cẩn trọng ngay từ đầu để hạn chế tình trặng lao động bị trả về địa phương. *Ông Phạm Văn Xí - Cán bộ văn hóa xã hội xã Ba Xa (Ba Tơ): "Cần hỗ trợ vốn vay cho những lao động về nước trước thời hạn do nguyên nhân khách quan" Ba Xa là địa phương có số người XKLĐ khá cao. Tuy nhiên, đầu năm 2012, anh Phạm Văn Tích ở thôn Nước Như đi XKLĐ ở nước Arập Xê Út, nhưng do ảnh hưởng chiến tranh nên mới hai tháng, anh đã về nước. Trước khi đi anh thuộc diện hộ nghèo, giờ trở về lại mang nợ nần vì vay vốn để làm thủ tục xuất cảnh. Hiện, gia đình anh hết sức khó khăn. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ vốn vay đối với các hộ như anh Tích cũng như những lao động phải trở về nước vì nguyên nhân khách quan. Có như vậy thì người lao động sẽ mặn mà hơn với chính sách XKLĐ. *Em Đinh Văn Nhú - thôn Đắc Tren, xã Sơn Dung (Sơn Tây): "Mong được đào tạo nghề và có nguồn thu nhập ổn định" Nhà em nghèo. Học đến lớp 9 em phải bỏ ngang việc học. Nghe xã tuyên truyền giới thiệu lao động ở Malaysia mức lương cao hơn trước, em đăng ký đi. Em mong được đào tạo nghề phù hợp để ra nước ngoài hưởng mức lương ổn định từ 9 - 11 triệu đồng/tháng như được tư vấn. Có vậy, em mới cố gắng làm việc đúng thời hạn để kiếm tiền lo cho vợ con và xây dựng nhà cửa ổn định. |
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN