Khó khăn trong tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT

06:03, 30/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc Bộ GD&ĐT có quyết định về cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay với nhiều điểm mới, là bước đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, được đông đảo học sinh và phụ huynh đồng tình. Tuy nhiên, hiện các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong khâu tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho cả 8 môn thi.

Lúng túng...
 
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 có nhiều điểm mới so với trước đây, thay vì thí sinh thi 6 môn bắt buộc do Bộ GD & ĐT quyết định thì nay mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số 6 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và ngoại ngữ.
 
Có thể nói, điểm mới này đã giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh trong việc ôn tập, các em chủ động hơn trong việc chọn môn thi theo sở trường của mình. Tuy nhiên, đối với các trường THPT, thay vì chỉ ôn tập 6 môn thì nay phải tổ chức ôn 8 môn.
 
Điều này có nghĩa là các trường phải bố trí thêm giáo viên, thêm phòng học và phải lên thời khóa biểu sao cho phù hợp để học sinh không bị trùng môn học trong một buổi ôn tập. Đến thời điểm này, hầu hết các trường đã cho học sinh đăng ký thi 2 môn tự chọn để có kế hoạch sắp xếp lịch ôn tập. Tìm hiểu chúng tôi được biết, có rất nhiều trường tỏ ra lúng túng trong việc này, nhất là những trường có nhiều học sinh học lực trung bình.
 
Thầy Trần Thanh An - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình cho biết, năm học này, trường có 460 học sinh lớp 12, trong đó, đăng ký môn thi Hóa học có 214 em,  Vật lý 212 em, Địa lý 183 em, Ngoại ngữ 130 em, Sinh học 113 em,  Lịch sử 37 em.
 
Theo đó, nếu thi như những năm trước thì chỉ tổ chức 12 lớp, nhưng năm nay phải tổ chức đến 16 lớp ôn tập theo đăng ký của học sinh (đó là chưa tính 2 môn Văn và Toán). Đây là trường có số học sinh đăng ký thi môn Sử đứng top đầu của tỉnh.
 
Với 37 học sinh đăng ký môn Sử thì trường đã có thể mở được một lớp. Những môn học sinh đăng ký nhiều như Vật lý, Hóa học thì phải chia thành nhiều lớp để ôn tập, do đó, phải bố trí nhiều giáo viên hơn và việc xếp lớp cho giáo viên cũng khó khăn hơn.
 

 

Các em ra sức học tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Các em ra sức học tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
 
Vì ngoài đảm nhiệm giảng dạy cho học sinh khối lớp 12 thì các thầy cô còn phải lên lớp khối lớp 10, 11. “Khó khăn lớn nhất của nhà trường là sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý để học sinh không được bỏ trống tiết học, có thời gian ra ngoài chơi ảnh hưởng đến việc học. Đồng thời lịch học giữa các môn các em đăng ký không được chồng chéo làm ảnh hưởng đến quá trình ôn tập của các em”, thầy An, nói.
 
…nhưng cũng phải làm
 
 
Thay vì thụ động chờ hướng dẫn của Bộ cũng như Sở GD&ĐT, nhiều trường đã chủ động có kế hoạch ôn thi phù hợp nhất trước sự đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD & ĐT. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cô Trần Thị Thanh Hòa- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng cho biết: Ngay từ đầu tháng 3, trường đã lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh cả 8 môn bằng cách tăng tiết dạy trái buổi đối với những môn này; đồng thời trường cũng tiến hành khảo sát cho các em thử chọn môn đăng ký thi để từ đó giúp trường định hướng trong việc chọn phương án ôn thi tốt nghiệp cho các em nhằm có kết quả tốt nhất.
 
Còn thầy Trương Quang Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Tư Nghĩa I thì cho biết: Hiện trường đang tính toán các phương án ôn tập. Tuy nhiên, trước mắt trường vẫn cho học sinh học hết chương trình hiện hành tất cả các môn. Sau đó trường sẽ bám vào nội dung ôn tập trên các tư liệu Bộ ấn hành để ôn tập các kiến thức chuẩn cho các em đang học đồng thời nâng cao để các em có thể vừa ôn thi tốt nghiệp vừa ôn thi Đại học, Cao đẳng.
 
Với Trường THPT Trần Quốc Tuấn do có đặc thù riêng là cuối năm lớp 10 trường đã tư vấn cho học sinh và phụ huynh để hướng nghiệp cho các em. Chính vì vậy từ đầu năm lớp 11 các em sẽ được phân luồng theo các khối: A (Toán, Lý, Hóa); A1 (Toán, Lý, Anh); C (Văn, Sử, Địa)… hằng năm trong các đợt thi học kỳ, trường đều tổ chức giống như kỳ thi tốt nghiệp để các em có thể được trải nghiệm.
 
Có nghĩa là, hình thức thì giống như thi tốt nghiệp, nhưng nội dung thì được nâng cao hơn để các em dần tiếp cận với kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên để làm được điều đó, trường luôn lắng nghe và tạo sự đồng thuận ở phụ huynh học sinh để có một số tiết học nâng cao cho học sinh.
 
Nhờ đó, hiện nay trường không gặp nhiều khó khăn như các trường THPT khác đang gặp phải. Thầy Nguyễn Thái Quảng - Hiệu trưởng nhà trường lý giải: Việc Bộ đưa ra phương án thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số 6 môn là phù hợp với hướng đào tạo chuyên sâu.
 
Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, đối với những em khối A thì chắc chắn sẽ chọn Lý và Hóa còn các em khối A1 sẽ chọn Lý, Anh... vì vậy việc bố trí ôn thi tốt nghiệp của trường thuận lợi trên cơ sở phân luồng. Trường không cần phải sắp xếp lớp lại mà vẫn ôn tập theo sự phân luồng như trước đây.
 
 Tuy nhiên, để cho kỳ thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt ngay ở năm đầu đổi mới công tác thi, Sở GD & ĐT cần có những định hướng cho các trường để tổ chức ôn thi cho học sinh một cách hiệu quả.
 
 
 
TRỊNH PHƯƠNG

.