Nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục miền núi triển khai chậm

09:01, 08/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình làm việc về công tác phát triển giáo dục dân tộc bậc THPT trên địa bàn tỉnh, sáng 8.1, Đoàn công tác Hội đồng dân tộc của Quốc hội do ông Danh Út-Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT.

TIN LIÊN QUAN

Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, số lượng học sinh là người dân tộc thiểu số của các trường THPT tăng dần theo từng năm học. 
 
Từ 2.200 học sinh năm học 2010-2011, đến nay toàn tỉnh có hơn 4.000 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số học tại các trường THPT và Dân tộc nội trú tỉnh. 
 
Cùng với số lượng học sinh tăng thì số lượng giáo viên cũng tăng theo. Hiện toàn tỉnh có gần 420 giáo viên, cán bộ nhân viên đang công tác tại các trường này. Tất cả giáo viên này đạt chuẩn đào tạo và cơ bản đảm nhiệm được nhiệm vụ được giao.
 
Hằng năm, các trường đã tổ chức tốt khâu tuyển sinh. Đội ngũ giáo viên các trường THPT miền núi thường rất trẻ, để giúp cho đội ngũ giáo viên này có kinh nghiệm giảng dạy, Sở đã thường xuyên tổ chức kiểm tra và tư vấn chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế độ, chính sách sách đối với học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng thực trạng của bậc học này ở miền núi còn nhiều khó khăn, t ỷ lệ học sinh bỏ học còn cao. Nguyên nhân là do hoàn cảnh gia đình các em quá khó khăn nên các bậc phu huynh ít chăm lo cho con em, động cơ học tập của học sinh chưa xác định đúng đắn, học yếu gây chán nản bỏ học và một phần cũng do chính sách hỗ trợ nhiều năm qua triển khai quá chậm.
 
 
Ông Danh Út phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Danh Út phát biểu tại buổi làm việc.
 
Về bố trí việc làm cho học sinh miền núi hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp, Sở GD&ĐT cho biết, các địa phương đã bố trí việc làm cho sinh viên miền núi cử tuyển đạt 85%. Hiện Sở đang phối hợp với Sở Nội vụ, các địa phương để bố trí việc làm cho 61 sinh viên cử tuyển của miền núi còn lại. Lâu nay, việc bố trí việc làm cho các sinh viên này hết sức khó khăn do công tác đào tạo chưa đi đôi với nhu cầu thực tế.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan kiến nghị: Trung ương cần ban hành chính sách phù hợp với nguồn lực hiện có để đảm bảo thực thi chính sách. Cần quan tâm bổ sung kinh phí đến vấn đề đào tạo tiếng dân tộc, xem xét về điều kiện thi tuyển vào các trường Nội trú để nâng cao chất lượng trong đó có tính lộ trình, đảm bảo cho con em người dân có điều kiện học tập trong các Trường Dân tộc nội trú.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, ông  Danh Út-  Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội  đã biểu dương những kết quả mà Quảng Ngãi đã đạt được trong thời gian qua. Đó là chất lượng giáo dục miền núi của Quảng Ngãi đã được từng bước nâng lên trong những năm gần đây. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ngày một tăng cao.  Tuy nhiên, Quảng Ngãi cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước là thực trạng giáo dục miền núi còn bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chính sách hỗ trợ giáo dục miền núi. 
 
Đồng chí cũng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách đối với học sinh, giáo viên để trình Hội đồng dân tộc xem xét giải quyết.
 
 
 
Tin, ảnh: Ái Kiều
 

.