Công tác phát triển giáo dục dân tộc cấp THPT còn nhiều bất cập

10:01, 06/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 6.1, ông Danh Út- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã có buổi khảo sát và làm việc với Trường THPT Phạm Kiệt và UBND huyện Ba Tơ về công tác giáo dục dân tộc cấp THPT.

TIN LIÊN QUAN

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Tơ, toàn huyện hiện có 885 học sinh, có 437 học sinh THPT được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, trong đó có 416 học sinh dân tộc. 
 
Trong những năm qua, các nhà trường đã cố gắng thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, nhiệm vụ tuyển sinh đầu cấp. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, nhà trường từng bước hạn chế tình trạng bỏ học và cho 100% học sinh mượn sách giáo khoa để học tập.
 
Từ năm học 2011-2012 đến nay, nhà trường đã sắp xếp cho 54 học sinh ở bán trú của các trường, nhằm tạo điều kiện cho những em nhà xa trường không thể đi về trong ngày được yên tâm học tập. Các em được bố trí 1 phòng tự học ở khu tập thể để các thầy cô giáo có thể giúp đỡ trong việc học ngoài giờ trên lớp.
 

 

Đồng chí Danh Út khảo sát thực tế nơi ở bán trú của học sinh Trường THPT Phạm Kiệt.
Đồng chí Danh Út khảo sát thực tế nơi ở bán trú của học sinh Trường THPT Phạm Kiệt.
 
Huyện đã thực hiện các chủ trương liên quan đến chế độ chính sách theo các QĐ 112/QĐ-TTg của Chính phủ, Nghị định 49/2010/NĐ-CP, Quyết định 36/2013/QĐ-TTg… cho 100% học sinh theo quy định.
 
Huyện có 13 giáo viên là người dân tộc thiểu số. 100% giáo viên này đạt chuẩn, có 2 đồng chí có trình độ thạc sỹ, trong đó có 1 người được đào tạo từ nước ngoài. Tuy nhiên, mặt bằng năng lực ở các đồng chí giáo viên là người dân tộc thiểu số chưa đồng đều.
 
Chất lượng đầu vào của học sinh còn rất thấp. Học sinh dân tộc hầu hết ở xa trường nên việc đi lại hết sức khó khăn trong khi nhà bán trú của trường chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, con em học sinh dân tộc, sinh viên cử tuyển ra trường lại không bố trí được công tác gây lãng phí nguồn nhân lực, cản trở công tác phát triển giáo dục dân tộc trên địa bàn.
 
Bà Nguyễn Thị Thành- Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Kiệt kiến nghị, tỉnh và Trung ương cần quan tâm đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời có chính sách luân chuyển giáo viên giữa đồng bằng và miền núi hợp lý, tạo điều kiện cho giáo viên tình nguyện ở lại vùng khó khăn công tác bằng cách cấp đất xây nhà. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ không chỉ đúng, đủ mà phải kịp thời để phát huy hiệu quả cao nhất, để các em yên tâm học tập, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.
 

 

Nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số cho trả chậm trễ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số chi trả chậm trễ.
 
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Văn Néo cho rằng, hiện nay chế độ chính sách cho học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn rất nhiều, nhưng công tác chỉ trả còn quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng học tập cũng như tình trạng bỏ học trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển để khuyến khích công tác giáo dục dân tộc.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã ghi nhận những nỗ lực của huyện Ba Tơ trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với công tác giáo dục dân tộc cấp THPT, đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn mà huyện đang gặp phải, đó cũng là khó khăn chung hiện nay của các huyện nghèo trong cả nước.
 
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị huyện cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, đồng thời nỗ lực giảm thiểu học sinh bỏ học giữa chừng, từng bước giảm khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. Đồng chí cũng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách đối với học sinh, giáo viên của huyện để trình Hội đồng dân tộc xem xét giải quyết.
 
 
Tin, ảnh: Ái Kiều
 

.