(Báo Quảng Ngãi)- Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi mở ra cho trẻ cơ hội được đến trường 2 buổi/ngày, được học tập theo chương trình mới, phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ nhằm chuẩn bị tốt tâm thế bước vào bậc tiểu học. Theo lộ trình đến năm 2015, Quảng Ngãi phấn đấu đạt mục tiêu này nhưng phía trước vẫn còn bề bộn những khó khăn.
Đến thời điểm này, tiến độ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh còn rất chậm. Toàn tỉnh có 106/184 xã, phường thị trấn được công nhân đạt PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Các tiêu chí về cơ sở vật chất (CSVC), giáo viên và tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ 5 tuổi chưa có huyện nào đạt yêu cầu.
Thiếu đủ thứ
Cái khó nhất đối với Quảng Ngãi trong lộ trình thực hiện đề án là về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là 6 huyện miền núi. Để phấn đấu đạt tiêu chí này, ngành GD&ĐT và các cấp chính quyền trong tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng trường lớp. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đầu tư hơn 240 tỷ đồng xây dựng CSVC và mua sắm trang thiết bị cho bậc MN, với 359 phòng học, hơn 100 phòng chức năng…
Lớp học mầm non cho trẻ 5 tuổi tại Trường Mầm non Hành Phước (Nghĩa Hành) đang xuống cấp. |
Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa thấm vào đâu so nhu cầu của bậc học này. Quảng Ngãi có gần 1.100 phòng học nhưng có tới hơn 130 phòng học tạm bằng tranh tre, nứa lá và 120 phòng phải học nhờ tại các nhà văn hóa thôn, trường tiểu học. Đó là chưa kể số phòng học cần phải xây dựng để phục vụ PCGDMN cho trẻ 5 tuổi tổng cộng 290 phòng. Hiện có 94/184 xã, phường thị trấn có phòng học đạt tiêu chuẩn, chỉ mới đạt 51%; có 13 huyện, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất. Riêng huyện Lý Sơn đạt tiêu chuẩn này.
Chúng tôi có dịp đến lớp học mẫu giáo thôn Sơn Bàn 2, xã Trà Sơn (Trà Bồng), mới thấy được những khó khăn mà thầy trò nơi đây đang trải qua. Lớp học là ngôi nhà tình nghĩa rộng 30m2 do người dân cho mượn tạm.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai - Hiệu trưởng Trường mầm non Trà Sơn cho biết: “Hiện xã có 13 điểm trường, thì đã có 4 điểm phải học tạm bợ. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giảng dạy học tập ở đây”. Đến nay, huyện Trà Bồng mới chỉ có 1 trường mầm non 28.8 đạt chuẩn. Ngay cả huyện đồng bằng, nhiều địa phương còn thiếu thốn nhiều về CSVC. Trường mầm non Hành Thịnh được tiếp nhận từ hợp tác xã mua- bán trước giải phóng. Trường có 8 phòng học thì có đến 6 phòng đã xuống cấp.
Còn tại Trường mầm non xã Hành Tín Tây không thể tổ chức bán trú cho học sinh. Do trường chưa có nhà bếp, thiếu phòng học, phụ huynh phải đưa đón con 4 lượt/ngày. Toàn huyện có 98 lớp học mầm non thì có 24 lớp, học sinh phải học trong các phòng học tạm bợ, xuống cấp và có 3 điểm trường phải mượn nhà học tập cộng đồng. Các công trình phụ trợ phục vụ công tác dạy và học chưa được đầu tư đồng bộ như nước sạch, nhà vệ sinh. Ngành học mầm non tỉnh ta còn phải đối mặt với việc thiếu giáo viên dạy mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi (53 giáo viên). Có 152/184 xã, phường, thị trấn có đủ giáo viên mẫu giáo 5 tuổi, đạt 83%.
Khó tổ chức bán trú
Đến nay, hầu hết các huyện miền núi tổ chức dạy 2 buổi/ngày gặp rất nhiều khó khăn, vì không thể tổ chức bán trú cho học sinh. Huyện Tây Trà chỉ có 4/9 xã tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày là cần thiết phải có bán trú. Bởi lẽ, các cháu ở lứa tuổi này dễ đau ốm, cần phải được chăm chút nhiều về sức khỏe, nhưng nếu học 2 buổi/ngày mà phụ huynh phải đi-về 4 lần trong ngày là bất hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Ở nhiều trường MN tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng không có nhà bán trú thì buổi chiều số lượng trẻ ra lớp giảm đi phân nửa.
Một khó khăn khác mà ngành GD&ĐT tỉnh phải giải quyết, là làm thế nào hạ thấp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nhất là miền núi. Một số địa phương đối mặt với việc giải quyết bài toán lớp bán trú, bữa ăn bán trú cho trẻ. Việc tổ chức học bán trú hiện nay ở một số địa phương miền núi là vấn đề cấp bách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cũng như sẽ cải thiện về trình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ. Quảng Ngãi vẫn còn 5/14 huyện, thành phố chưa đạt quy định về tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi. Dẫn đầu tỷ lệ này là huyện Tây Trà, với 22%, trong đó cá biệt có xã lên đến hơn 30%. Ở huyện Sơn Tây, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi chiếm 18-19%.
GDMN là cấp học đầu tiên đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển của trẻ. Nhưng trước những khó khăn trên, công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi không phải là chuyện ngày một ngày hai, không nên nóng vội, chạy theo thành tích mà phải thực hiện từng bước, vững chắc và lâu dài với nhiều phương pháp phù hợp đặc thù của từng địa phương. Để đạt mục tiêu của Đề án thì trách nhiệm không chỉ của riêng ngành giáo dục mà cần có sự chung sức của toàn xã hội.
*Ông Đỗ Văn Phu – Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo: Thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi 2012-1015, theo chỉ tiêu đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Quảng Ngãi căn bản đã đạt được một số kết quả nhất định. Đáng mừng là tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,6%, vượt so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay là tình trạng thiếu phòng học. Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị với Chính phủ dời lộ trình chung của cả nước đến 2018, nhưng Quảng Ngãi vẫn quyết tâm thực hiện đúng lộ trình. Hiện UBND tỉnh đã tập trung phân bổ kinh phí cho các địa phương khẩn trương xây dựng 290 phòng học còn thiếu. Cụ thể đến năm 2014, tỉnh bố trí kinh phí xây thêm 116 phòng học MN trẻ 5 tuổi và sẽ bố trí nguồn vốn xây dựng các phòng còn lại vào năm 2015. Nếu thực hiện được, Quảng Ngãi sẽ đạt đúng lộ trình đề ra. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ chính quyền địa phương ở cơ sở, vì một số nơi vẫn còn trông chờ vào hỗ trợ Nhà nước. *Ông Đặng Ngọc Dũng- Bí thư Huyện uỷ Sơn Hà: Để thực hiện lộ trình trên, huyện Sơn Hà đã ưu tiên đầu tư kinh phí khá lớn cho bậc học này, với hơn 27 tỷ đồng để xây dựng, kiên cố hoá trường, lớp học mầm non. Đến nay, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 74%. 100% giáo viên đạt trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, Sơn Hà vẫn còn thiếu 11 phòng học cho trẻ MN 5 tuổi. Trong thời gian đến, với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc tập trung xây dựng đủ cơ sở vật chất còn lại thì Sơn Hà sẽ là huyện miền núi sớm đạt đúng lộ trình đề ra. *Ông Lê Hoài Thạnh- Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sơn Tây: Hiện tại huyện Sơn Tây hiện vẫn chưa tổ chức được bữa ăn bán trú cho các cháu bậc học MN. Nguyên nhân chính là thiếu CSVC. Toàn huyện còn thiếu 31 phòng học, chiếm gần 50% số phòng học trong toàn huyện. Muốn tổ chức bán trú thì phải có phòng học, nhà ăn. Vì vậy việc dạy 2 buổi/ngày rất khó thực hiện. Bắt các cháu học 2 buổi/ngày mà không ăn trưa là không thể được. Đối với Sơn Tây, việc thực hiện đúng lộ trình đề ra đòi hỏi phải có sự quan tâm rất lớn của chính quyền địa phương và phải thay đổi nhận thức trong người dân. *Bà Trần Thị Thu - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Long (Sơn Tây): Việc huy động 100% trẻ ra lớp là một thành công lớn của xã Sơn Long. Tuy nhiên, vì điều kiện đi lại khó khăn, học sinh bậc học này vẫn đi học chưa đều. Hầu hết các lớp 5 tuổi hiện nay trên địa bàn xã là các lớp ghép 2, 3 độ tuổi nên chất lượng chăm sóc, giáo dục còn thấp. Do đó, việc tách riêng các lớp 5 tuổi là cần thiết, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên chưa đảm bảo. Toàn xã Sơn Long có 6 điểm trường lẻ thì có 4 điểm trường phải mượn nhà dân. Riêng ở tập đoàn 19, thôn RaPân chưa thể mở lớp được do thiếu giáo viên. Việc thực hiện Đề án trên đối với xã là khó đạt được vào năm 2015. |
Bài, ảnh: KIM NGÂN