"Lớp học đặc biệt" của những thầy giáo làng

10:11, 19/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Có một “lớp học đặc biệt”, bởi học sinh đủ mọi lứa tuổi, và các em đều là những đứa trẻ khuyết tật. Giáo viên đứng lớp là những thầy cô giáo đã về hưu, tình nguyện bỏ công sức để giúp các em hòa nhập cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN

Đã gần 1 tháng qua, lớp học nhỏ nằm bên cánh đồng làng thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh vẫn rộn rã tiếng ê a. Những thầy cô giáo của vùng quê này có người nay đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” dẫu mắt mờ, chân yếu vẫn đều đặn đến lớp để truyền đạt tri thức cho đám học trò khuyết tật nghèo.

Đây là lớp học đặc biệt, bởi các em đủ mọi lứa tuổi (từ 6 tuổi đến 18 tuổi) và các em đều là những đứa trẻ khuyết tật, thậm chí nhiều em đã 15, 16 tuổi vẫn chưa biết mặt chữ, chưa biết đánh vần.

 

Các thầy cô giáo bắt đầu dạy cho các em những nét bút đầu tiên.
Các thầy cô giáo bắt đầu dạy cho các em những nét bút đầu tiên.


Thầy giáo Nguyễn Đình Sen chia sẻ, dạy cho học sinh khuyết tật lắm nỗi nhọc nhằn, bởi các em dù đã lớn nhưng lại chưa biết đọc, biết viết, thậm chí nhiều em chưa biết nói và không ý thức được hành vi của mình. Do đó chỉ có những thầy cô tâm huyết mới phụ trách được lớp học này.

Để có được lớp học, các thầy cô giáo trong Hội cựu giáo chức (Hội của những nhà giáo về hưu) của xã Tịnh Thọ đã phải ngày đêm xuống tận các gia đình điều tra số hộ có con em khuyết tật. Sau khi phân loại, những em nào có điều kiện đến trường, các thầy cô giáo lại tiếp tục thuyết phục phụ huynh đưa các em đến lớp.

Bà Huỳnh Thị Dung , ở thôn Thọ Nam, khi đưa con đến lớp nước mắt rưng rưng kể, con gái bà năm nay đã 18 tuổi, cháu bị thiểu năng trí tuệ ở mức độ nhẹ. Lúc còn nhỏ cháu được đi học ở trường tiểu học của xã. Học được 3 năm thì trường cho nghỉ học vì cháu không thể theo nổi chương trình phổ thông như những đứa trẻ bình thường. Giờ các thầy cô giáo nghỉ hưu tình nguyện mở lớp dạy cho trẻ em khuyết tật cô rất vui mừng và đưa con ra lớp.

 

Lớp học bao giờ cũng có 2 giáo viên đứng lớp.
Lớp học bao giờ cũng có 2 giáo viên đứng lớp.


Còn chị Phạm Thị Nguyệt ở thôn Thọ Tây cho biết, cháu Trần Phú Quý con chị năm nay đã 16 tuổi. Khi mới lọt lòng con trai chị đã bị nhiễm chất độc da cam không thể đến trường. Giờ các thầy cô trong xã mở lớp, động viên cháu đi học, chị rất vui. Gần một tháng qua, ngày nào chị cũng dành thời gian đưa cháu đến lớp để học. Chị không kỳ vọng con mình sẽ biết chữ, chỉ mong sao qua lớp học này cháu không còn quậy phá và biết vâng lời mẹ khi ở nhà.

Đây là lớp học đặc biệt nên một buổi dạy có đến hai giáo viên đứng lớp. Một giáo viên cầm phấn giảng dạy trên bục giảng, một giáo viên phải ngồi cùng chỗ với học sinh để nắn nót cho các em từng con chữ. Chương trình học của các em cũng chỉ có hai môn học chính là Toán và Tiếng Việt. Xen lẫn giữa 2 tiết học văn hóa là tiết dạy phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự lập và hoạt động vui chơi.

Thầy giáo Trần Đình Vương, chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Thọ cho biết: Trong số 22 thầy cô giáo trong Hội Cựu giáo chức của xã thì có 8 giáo viên đăng ký trực tiếp thay phiên đứng lớp giảng dạy cho các em. Những thầy cô giáo này đều đã từng là giáo viên của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Sơn Tịnh nay đã nghỉ hưu tại địa phương và họ tình nguyện bỏ công sức để dạy miễn phí cho học sinh khuyết tật của xã. Mong muốn của các thầy, cô giáo ở vùng quê nghèo này là giúp cho các em học sinh khuyết tật vơi bớt những thiệt thòi và hòa nhập cộng đồng.

Bằng tấm lòng nhiệt huyết của một nhà giáo, bằng tình yêu thương trẻ của những trái tim nhân hậu, các thầy cô giáo nơi đây vẫn dành sự quan tâm, tình yêu thương vô điều kiện cho đám học trò khuyết tật quê mình. Dẫu tóc bạc, mắt mờ, sức yếu nhưng tâm trí của các thầy, các cô vẫn sáng để soi đường cho các em tiếp bước đến tương lai-hành trang mà bất cứ một trẻ em nào cũng có quyền được ước mơ, hy vọng.



                         Bài, ảnh: Xuân Từ

 


.