(Báo Quảng Ngãi)- Công đoàn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với người lao động trong doanh nghiệp (DN). Do vậy, từ năm 2008 đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tăng cường lãnh đạo nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong các DN.
TIN LIÊN QUAN |
---|
LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Đề án Đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, xây dựng Nghị quyết phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), phân bổ chỉ tiêu đến các cấp công đoàn trong tỉnh. Đồng thời phân công đồng chí ủy viên Ban Thường vụ theo dõi, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở trong các thành phần kinh tế.
Công nhân nữ rất cần được sự quan tâm chia sẻ của DN. |
Đến nay, số DN có tổ chức công đoàn là 140/223 DN, đạt 62,78%. Tổng số đoàn viên công đoàn trong các loại hình DN là 24.800 người. Công tác xây dựng CĐCS vững mạnh luôn được các cấp công đoàn chú trọng, nhằm làm chỗ dựa tin cậy cho người lao động. Tổ chức công đoàn còn là người bạn đồng hành của DN trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh; giải quyết căn bản lợi ích hài hòa của các bên trong DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động nhằm phát triển DN bền vững.
Hằng năm, LĐLĐ tỉnh tiến hành kiểm tra, chấm điểm, phân loại CĐCS vững mạnh. Nếu năm 2008 có 70,4% CĐCS đạt trong sạch vững mạnh thì đến năm 2012 có 72,8% CĐCS vững mạnh. Có được kết quả trên là nhờ LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS. Trong 5 năm qua, LĐLĐ tỉnh đã mở 66 lớp, với 16.211 lượt cán bộ CĐCS tham dự. LĐLĐ tỉnh cử 42 cán bộ chuyên trách Công đoàn đi học lớp Đại học Công đoàn do Trường Công đoàn miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng mở...
Nhờ đó, cán bộ CĐCS đã góp phần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong các DN. Đồng thời làm tốt vai trò, chức năng của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến công nhân lao động như: Hỗ trợ nâng mức tiền ăn ca, tiền thuê nhà trọ, bố trí xe đưa đón công nhân, hỗ trợ tiền xăng xe… Cán bộ CĐCS đã tổ chức tuyên truyền, vận động CNLĐ thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động, nội quy, quy chế của đơn vị. Đặc biệt là vận động DN thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động; tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giúp đỡ công nhân ký kết hợp đồng lao động, chăm lo đời sống, việc làm của người lao động,…
Bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Mặc dù đạt được một số kết quả nói trên, song hoạt động của CĐCS trong DN vẫn còn nhiều hạn chế, một số nơi còn mờ nhạt, nhất là trong DN tư nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do phương thức hoạt động của CĐCS chưa phù hợp với loại hình và điều kiện của DN. Tổ chức các hoạt động công đoàn còn bị động, lúng túng; trình độ, năng lực của cán bộ CĐCS còn hạn chế, trong khi đó nhân sự thường xuyên thay đổi, chưa dành thời gian hợp lý cho hoạt động công đoàn. Bên cạnh đó, việc cán bộ CĐCS còn lệ thuộc về kinh tế và quản lý hoạt động của DN nên khó khăn trong việc đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Chính vì vậy, tình hình chủ DN vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động vẫn còn diễn ra. Cụ thể là, hầu hết các DN tư nhân chưa thực hiện nghiêm túc việc đóng BHYT, BHTN, BHXH cho lao động, thậm chí còn nhiều DN có biểu hiện lách luật trong việc ký kết hợp đồng lao động nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với người lao động.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối năm 2012, chỉ có 38,9% DN tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và có trên 500 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền trên 30 tỷ đồng. Việc ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các DN còn thấp, nội dung thỏa ước lao động tập thể ít được chú trọng đến việc thỏa thuận các điều khoản có lợi hơn cho người lao động, đôi khi mang tính hình thức, đối phó... Hệ lụy là từ năm 2008 đến nay có 3 cuộc tranh chấp lao động, dẫn đến ngừng việc tập thể, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Bài, ảnh: Lê Sơn