(Baoquangngai.vn)- Đối với học sinh miền núi còn nhiều thiếu thốn, có được góc học tập tại nhà với đầy đủ trang thiết bị là một giấc mơ quá xa vời. Nhưng ở xã Ba Khâm (Ba Tơ), các thầy cô đã nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ ấy, tiếp sức cho các học sinh thân yêu đến trường theo con chữ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ở xã Ba Khâm, việc gieo con chữ cũng nhọc nhằn như chuyện cõng gùi leo đường dốc sỏi ròng rã ngày qua ngày. Các thầy cô giáo kiên nhẫn mang lại cho các em những kiến thức quý giá. Nhưng vì cuộc sống còn lắm khó khăn nên tình trạng bỏ học giữa chừng không phải là điều hiếm gặp.
Trước nỗi trăn trở ấy, ngành giáo dục cùng các thầy cô bám lớp, bám trường đã đưa ra nhiều biện pháp giúp các em trụ lại với con chữ một cách hiệu quả. Trong đó có việc sáng tạo, hỗ trợ góc học tập cho học sinh nghèo ở nơi heo hút lưng chừng núi. Bước đầu, niềm vui mỗi ngày đến lớp, đến trường đã nhen nhóm trong lòng thầy trò nơi đây.
Góc học tập nhỏ tại nhà đã giúp thay đổi ý thức của nhiều phụ huynh vùng cao về việc học hành của con em. |
Em Phạm Thị Hương- học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Ba Khâm hồ hởi khoe góc học tập của mình với những người khách đến thăm nhà. Bộ bàn ghế gỗ xinh xắn được đặt ngay ngắn nơi góc nhà cùng với chiếc đèn bàn và cặp xách mới toanh. Đó là cả một gia tài với cô bé học sinh miền núi.
Hương chia sẻ: Các thầy cô và nhà tài trợ mới cho em góc học tập này. Em còn được tặng áo ấm, áo mưa và nhiều sách vở lắm. Trước giờ em không có bàn ghế ngồi học như thế này đâu. Mỗi lần tập đọc, tập viết tại nhà đều nằm úp dưới đất. Nằm lâu sẽ bị tức ngực, chán lắm. Nhiều lúc em cũng chẳng làm bài tập về nhà cô giao được.
Mẹ của Hương, chị Phạm Thị Nghít thấy con gái thích mê mệt góc học tập mới, cũng chia sẻ: Ngày trước, chưa có góc học tập, cháu phải để sách vở dưới đất, có khi bị mối mọt ăn. Nay có bàn ghế tử tế, có đèn bàn sáng trưng, cháu cũng thích nên ham học, dành thời gian tự học nhiều hơn. Ngày nào, cháu cũng tự dọn dẹp sách vở và lau chùi góc học tập cẩn thận lắm.
“Từ trước đến giờ, tôi chẳng bao giờ nghĩ là phải nhắc nhở con mình tự học tại nhà. Nhưng từ khi được thầy cô quan tâm hỗ trợ góc học tập tại nhà, tôi mới hiểu ra là việc tự học rất quan trọng, giúp cháu thêm tiến bộ trong việc tiếp thu kiến thức ngoài giờ học tại trường”- chị Nghít bộc bạch.
Việc hỗ trợ góc học tập tại nhà cho con em miền núi không chỉ tạo điều kiện tốt cho các em, mà còn giúp phụ huynh của các em nâng cao ý thức theo đuổi con chữ. Có được không gian riêng để học tập tại nhà, tinh thần tự giác của các em cũng được nâng cao đáng kể. Anh Phạm Văn Hàu, phụ huynh học sinh lớp 3A Phạm Văn Ngọc tâm sự: Từ ngày có bàn ghế tử tế, tôi thấy cháu siêng học hơn rất nhiều. Chứng kiến như vậy tôi rất vui mừng.
Các thầy cô thường xuyên đi kiểm tra góc học tập và vận động các em đến trường mỗi ngày. |
“Giờ đã thành nếp rồi, cứ 7 giờ tối sau khi ăn cơm xong, tôi đều nhắc cháu ngồi vào bàn học. Các thầy cô đã tạo điều kiện hỗ trợ học hành cho con em mình như vậy, tôi cũng phải khuyên cháu tập trung học hành mới thay đổi được cuộc đời”- vừa nói xong, anh Hàu đưa ánh mắt trìu mến của mình hướng về phía đứa con nhỏ đang cặm cụi học bài.
Với đồng bào vùng cao, trang bị một góc học tập là góp phần thay đổi thói quen và cách nghĩ về việc học hành của cả con em lẫn phụ huynh. Từ đó, việc vận động học sinh đến trường của thầy cô cũng dễ dàng hơn.
Thầy Võ Hổ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Khâm cho biết: Giờ các phụ huynh đều hiểu rằng, việc học hành rất quan trọng, nên tình trạng học giã gạo đã giảm hẳn. Điều này đã tạo khởi sắc trong chất lượng học tập của xã miền núi. Chúng tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra góc học tập của các em và vận động gia đình chú trọng đến chuyện học hành hơn xưa.
Hiện xã Ba Khâm có trên 100 góc học tập dành cho cả học sinh tiểu học và THCS. Những em được hỗ trợ góc học tập đều là các học sinh gia đình khó khăn. Đối với bậc THCS các em học sinh lớp 8, 9 được hỗ trợ nhiều nhất. Bởi theo các thầy cô giáo, đây là lứa tuổi cần tập trung tự học để chuyển cấp. Nếu tạo tiền đề tốt cho việc ôn luyện thì các em sẽ có động lực tiếp tục học cao hơn và không bị thua kém các bạn cùng tuổi.
Những góc học tập như vậy tuy nhỏ nhưng lại là giấc mơ có thật của nhiều học sinh miền núi. Đó là những nhịp cầu đưa kiến thức lên vùng cao còn nhiều khó khăn, giúp các thầy cô tiếp tục gồng mình với nghiệp gieo chữ trên non.
Bài, ảnh: Thanh Phương