Năm học mới: Nỗi lo từ chuyện cơ sở vật chất

11:08, 22/08/2013
.

(QNĐT)- Năm học mới đã bắt đầu, nhưng ở nhiều địa phương vẫn còn ngổn ngang, thiếu thốn trăm bề. Hàng ngàn trẻ mầm non ở độ tuổi đến trường vẫn chưa được đến lớp do thiếu cơ sở vật chất.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi các bạn cùng trang lứa đang tung tăng nô đùa cắp sách đến trường, thì nhiều em ở độ tuổi đến trường ở xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa) phải ở nhà. Chị Lê Thị Nhàn ở thôn Hổ Tiếu bức xúc: “Tui rất muốn cho cháu 4 tuổi đi học nhưng chẳng tìm đâu ra chỗ, hỏi đâu người ta cũng bảo chỉ nhận lớp mẫu giáo lớn thôi nên đành cho cháu ở nhà. Thấy con người ta đến trường mình như ngồi trên đống lửa”.

Nguyên nhân của thực trạng này là do điểm trường chính của Trường mầm non Nghĩa Hà tiếp quản cơ sở cũ của Trường tiểu học Đông Hà đã xây dựng cách đây 35 năm nên xuống cấp trầm trọng. Tường bong tróc, lộ gạch, sắt ra ngoài; vách tường nứt ngang dọc. Dù đã được chính quyền địa phương gia cố, nhưng cơn bão số 8 năm 2012 đã làm đổ sập hoàn toàn 1 phòng học, các phòng khác cũng bị mối ăn đổ nát. Để đảm bảo an toàn cho các em và cô giáo, chính quyền địa phương đã di chuyển sang học nhờ tại Trường tiểu học Đông Hà mới.

 

Trường mầm non Nghĩa Hà bị sập đổ hoàn toàn, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây mới.
Trường mầm non Nghĩa Hà bị sập đổ hoàn toàn, nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây mới.



Còn 4 điểm lẻ của trường ở các thôn như: Sung Túc, Thanh Khiết, Bình Đông và Hàm Long mái trường, cột kèo cũng đã mục nát, sân trường thấp nên mỗi khi mưa xuống sân trường lại ngập sâu, lầy lội. Và hệ lụy là trong năm học này, toàn xã Nghĩa Hà chỉ nhận 120 cháu, trong đó chủ yếu là các em độ tuổi lên 5, còn gần 200 em ở độ tuổi 3, 4 đành phải ở nhà.

Nhiều phụ huynh ở xã Nghĩa Hà phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ học nhờ cho con ở các xã lân cận như: Nghĩa Hòa, Nghĩa Phú, thậm chí lên tận TP. Quảng Ngãi.

“Phụ huynh thì như ngồi trên đống lửa, còn chúng tôi cũng áy náy chẳng kém gì, nhưng lực bất tòng tâm. Theo tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, mọi tiêu chí khác đều đạt chỉ riêng tiêu chí cơ sở vật chất là chưa đạt”- bà Đặng Thị Minh Thu- Hiệu trường Trường mầm non Nghĩa Hà tâm sự.

Tuổi mầm non, mẫu giáo vừa học vừa chơi, một tiết học của các em chỉ có 25 phút, còn tiết học của bậc tiểu học tới 45 phút. Mầm non, mẫu giáo phải học nhờ tại trường tiểu học gây rất nhiều khó khăn cho cả cô và trò.

Cô Trần Thị Tiến bộc bạch: “Hầu hết thời gian đến lớp của các em chỉ được sinh hoạt trong lớp chứ không được sinh hoạt ngoài trời vì ảnh hưởng đến giờ học của các lớp tiểu học bên cạnh. Giờ ra chơi, cô giáo tập trung cao độ khi phải liên tục để mắt đến các em vì sợ các em chạy nhảy lên xuống cầu thang cùng các anh chị rất nguy hiểm”.

 

Học nhờ ở Trường tiểu học Đông Hà nên các  em chỉ được sinh hoạt trong lớp chứ không được sinh hoạt ngoài trời, vì ảnh hưởng đến giờ học của các lớp tiểu học.
Học nhờ ở Trường tiểu học Đông Hà nên các em chỉ được sinh hoạt trong lớp chứ không được sinh hoạt ngoài trời, vì ảnh hưởng đến giờ học của các lớp tiểu học.



Ở các xã Long Hiệp, Long Môn và Long Mai (Minh Long) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Học sinh mẫu giáo, mầm non cũng phải học nhờ phòng học của các trường tiểu học. Học sinh tiểu học học buổi sáng thì mầm non, mẫu giáo học buổi chiều.

Thực trạng đáng lo ngại này đang xảy ra không chỉ ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa mà ngay tại phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi). Thậm chí, nhiều nơi nếu may mắn có chỗ, trẻ cũng phải học trong những dãy phòng tạm bợ hoặc học nhờ nhà dân, nhà văn hóa thôn, nhờ trường tiểu học. Nhiều trường không điện, không nước, không sân chơi, không nhà vệ sinh. Điều này là lực cản lớn cho tiến trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.

Những năm qua, kinh phí đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là cho giáo dục mầm non đã được lồng ghép với nhiều chương trình, mục tiêu nên tình trạng các cháu học trong các phòng học tranh tre, nứa lá, tạm bợ đã được khắc phục. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh còn thiếu 276 phòng học dành cho bậc học này.

Không chỉ ở bậc học mầm non mà ở các bậc học khác ở không ít các địa phương còn rất khó khăn về cơ sở vật chất. Tại Trường tiểu học Nguyễn Nghiêm, ngôi trường được xem là điểm của TP. Quảng Ngãi, đến nay hơn 1.800 học sinh chưa thể nhập học.

Thầy giáo Võ Văn Mạnh- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc sửa chữa ở địa điểm mới đến ngày 17/8 mới hoàn thành nên nhà trường buộc phải cho học muộn hơn 1 tuần so với lịch học.

 

Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm đã bàn giao cơ sở cũ cho Cục Thuế Quảng Ngãi, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp vốn xây mới.
Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm đã bàn giao cơ sở cũ cho Cục Thuế Quảng Ngãi, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp vốn xây mới.

 

Sau khi bàn giao cơ sở cũ tại đường Quang Trung để xây dựng trụ sở Cục thuế Quảng Ngãi, trường được UBND thành phố giao hơn 8.000m2 đất tại số 114 Lê Trung Đình (một cơ sở cũ của Đại học Phạm Văn Đồng). Tuy nhiên, hiện Trường chỉ được hỗ trợ kinh phí sửa chữa chứ chưa được cấp kinh phí xây mới trong khi số lượng học sinh quá đông nên trường phải mượn thêm 1 cơ sở nữa. Vì thế, trường phải chia 1.800 học sinh ra học ở hai cơ sở, cơ sở 1 tại 114 Lê Trung Đình và cơ sở 2 tại 258 Trương Quang Trọng.

Chị Trần Thị Thanh Thúy, có 2 con học tại Trường tiểu học Nguyễn Nghiêm lo lắng: “Việc bố trí dạy tại 2 địa điểm rất bất tiện cho các phụ huynh có hai con học tại 2 cơ sở khác nhau và địa điểm mới lại không có sân chơi cho học sinh”.

Được biết, chủ trương xây dựng Trường tiểu học Nguyễn Nghiêm mới đạt chuẩn quốc gia đã được thông qua từ năm 2008 nhưng hiện tại, dự án này vẫn chưa được ghi vốn. Như vậy, khó khăn, thách thức đối với việc dạy và học của trường sẽ còn tiếp tục kéo dài, nếu TP. Quảng Ngãi không ưu tiên và quyết tâm đầu tư xây mới Trường tiểu học Nguyễn Nghiêm.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều


.