(QNĐT)- Chiều 22/4, đoàn công tác của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH nhằm nghiên cứu, xây dựng chính sách xuất khẩu lao động cho ngư dân Quảng Ngãi, đặc biệt ở Lý Sơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại Việt Nam, công tác xuất khẩu lao động cho ngư dân bắt đầu từ năm 1992. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuyền viên đánh bắt gần, xa bờ trên các thuyền nước ngoài tăng mạnh với trên 20.000 người. Cụ thể, nước ta đã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trên 9.000 lao động, trên 6.000 tại Hàn Quốc; Nhật Bản và các nước khác có trên 3.000 thuyền viên người Việt Nam…
Mức lương của các thuyền viên đi xuất khẩu lao động khá hấp dẫn, giao động từ 400-1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, các thuyền viên đi đánh bắt gần, xa bờ tại các thị trường nước ngoài chủ yếu thuộc các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đây là lần đầu tiên Cục Quản lý lao động ngoài nước có kế hoạch khai thác lực lượng ngư dân đông đảo tại Quảng Ngãi đưa đi xuất khẩu lao động tại các nước có nhu cầu cao trong khu vực.
Nhu cầu đi xuất khẩu lao động của ngư dân hiện rất lớn. Ảnh minh hoạ |
Tỉnh Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển khoảng 130km. Lực lượng tham gia nghề biển cũng khá lớn, đặc biệt là ở huyện Bình Sơn và Đức Phổ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó có đủ vốn để đóng mới tàu thuyền, sắm ngư lưới cụ hành nghề đánh bắt gần và xa bờ. Do đó, nhu cầu làm việc ở nước ngoài liên quan đến nghề đánh bắt hải sản rất lớn. Rào cản hiện tại chính là nguồn vốn vay (120-150 triệu đồng/suất) còn ở mức lãi suất cao, khiến nhiều người e ngại.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có chính sách tạo điều kiện cho các ngư dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để yên tâm đi xuất khẩu lao động. Theo kế hoạch, ngày 23/4, đoàn công tác của Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện Lý Sơn để trực tiếp thu nhận ý kiến của lãnh đạo và nhân dân Lý Sơn trong lĩnh vực này.
Tin, ảnh: PV