(QNg)- Hiện nay, một số ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ đã biết cách sửa chữa khi không may tàu bị chết máy giữa biển khơi. Không những thế, họ còn biết cách điều khiển tàu chạy tránh bão, cách bảo quản hải sản an toàn... Đây là kết qủa của việc đào tạo nghề về thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 được Sở LĐ-TB&XH tổ chức trong thời gian qua.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cùng với các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, từ năm 2012, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho ngư dân. Qua đó giúp ngư dân vững tin vươn khơi xa, bám biển làm ăn, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Ra khơi bằng kinh nghiệm ít hiệu quả
Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.700 tàu cá với hơn 4 vạn lao động trên biển, trong đó tàu đánh bắt xa bờ chiếm số lượng không nhỏ. Song, có một thực tế trong thời gian qua là, hầu hết ngư dân đánh bắt trên biển chỉ làm ăn bằng kinh nghiệm là chính. Do chưa được đào tạo các kiến thức cơ bản về sửa chữa máy tàu, cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến biển, hàng hải,…nên gặp khó khăn khi xử lý một số tình huống xảy ra trên biển. Trước đây, tàu đang đánh bắt nhưng không may máy bị hỏng thì chủ tàu phải liên lạc với thợ máy ở đất liền để được hướng dẫn khắc phục. Tuy nhiên, đó chỉ có thể áp dụng cho những trường hợp bị sự cố đơn giản. Còn nếu bị hỏng nặng thì coi như phiên biển đó thua lỗ. Khi đó, thuyền trưởng sẽ không kiểm soát được tàu khi đang lênh đênh ngoài biển khơi. Nếu không có sự trợ giúp kịp thời của tàu bạn hoặc tàu của các lực lượng chức năng thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Lai dắt tàu chết máy trôi dạt trên biển. |
Mặt khác, việc đánh bắt dựa vào kinh nghiệm hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nguyên nhân do sử dụng phương tiện và ngư lưới cụ và bảo quản cá chưa đúng cách, dẫn đến sản lượng khai thác và chất lượng cá đạt thấp. Một cán bộ Biên phòng Cảng Sa Kỳ cho biết, khi tàu cá bị nạn do thiên tai thì lực lượng chức năng mới điều tàu cứu nạn miễn phí, còn khi ngư dân đề nghị cứu hộ do tàu hư hỏng, chết máy thì ngư dân phải bỏ tiền ra. Hầu hết các trường hợp tàu bị chết máy trên biển thì chủ tàu nhờ các tàu đánh bắt gần đó đến lai dắt và mọi chi phí đều được chủ tàu bị hư hỏng chi trả tương đương với một phiên biển bình quân của chiếc tàu lai dắt.
Cách làm hay cần được mở rộng
Đầu mùa biển năm nay, nhiều ngư dân trong tỉnh phấn khởi và tự tin ra khơi nhờ được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích về việc xử lý các tình huống có thể xảy ra khi đang hành nghề trên biển. Bởi lẽ, năm 2012, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề đào tạo thí điểm nghề thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 cho ngư dân trong tỉnh. Ngư dân được trang bị kiến thức về kỹ năng lái tàu, tìm hiểu ngư trường khai thác, cách khắc phục, sửa chữa máy tàu khi gặp sự cố; các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động khai thác trên biển; cách cứu hộ, cứu nạn trên biển; cách điều khiển tàu chạy tránh bão, phương cách bảo quản hải sản an toàn. Đến nay toàn tỉnh có gần 600 ngư dân được đào tạo.
Đáng mừng là, hầu hết ngư dân dân được đào tạo đã vận dụng vào đánh bắt đạt hiệu quả. Những ngư dân này không còn lệ thuộc nhiều vào đất liền khi tàu bị sự cố máy móc. Cùng với kinh nghiệm đi biển, qua đào tạo các thuyền trưởng đã hiểu và vận dụng an toàn khi đi ngang qua các tuyến hàng hải. Không những thế, việc đào tạo này đã giúp ngư dân đỡ tốn chi phí tiêu hao nhiên liệu, kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, nắm vững các kỹ thuật bảo quản thủy sản,… nên hiệu quả kinh tế mỗi chuyến ra khơi được nâng lên. Ngư dân cũng yên tâm bám biển dài ngày làm ăn, không còn nỗi lo sợ như trước.
Việc đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân không chỉ tạo điều kiện để các tàu thuyền yên tâm bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả đánh bắt, mà với những kiến thức được trang bị, ngư dân sẽ tránh được rất nhiều rủi ro trên biển. Nhiều ngư dân cho biết, trước đây vào ban đêm, họ liên tục canh chừng để né tránh tàu hàng hải. Còn bây giờ, cứ theo tín hiệu đèn của tàu lớn mà chủ động né tránh.
Việc đào tạo nghề, phổ cập kiến thức, kinh nghiệm đánh bắt cho ngư dân ra khơi là việc làm hết sức ý nghĩa, giúp họ tự tin ra khơi làm ăn, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Quốc gia. Do đó, trong thời gian đến tỉnh cần mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho ngư dân.
Bà Cù Thị Thanh Mai- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. Trong điều kiện đánh bắt hải sản ngày càng khó khăn thì việc đào tạo nghề cho ngư dân để giúp họ có thêm kiến thức khi hoạt động trên biển là hết sức cần thiết. Và có như thế họ mới yên tâm bám biển làm ăn. Mô hình đào tạo nghề cho ngư dân thực sự là hướng đi tích cực, hỗ trợ đắc lực cho ngư dân vươn khơi làm giàu từ biển. Qua 1 năm thực hiện bước đầu đã mang lại hiệu quả rất tích cực và có ý nghĩa đối với ngư dân trong tỉnh. Hiện nay, nhu cầu học nghề đi biển của ngư dân trong tỉnh là rất lớn. Trong năm 2013, Sở đã làm việc với các địa phương ven biển bố trí kinh phí đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng hạng 4 cho khoảng 500 ngư dân. Và trong thời gian đến sẽ tiến tới phổ cập nghề cho ngư dân trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu (Bình Sơn). Việc đào tạo nghề trong nghiệp đoàn giúp cho ngư dân nắm vững những kiến thức cơ bản để tự sửa chữa máy móc hay cách điều khiển tàu an toàn trên biển, điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn đối với chủ trương khuyến khích ngư dân bám biển làm ăn. Chúng tôi mong muốn mở thêm nhiều lớp đào tạo nữa để ít nhất mỗi tàu có từ 1 đến 3 người được đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng để có thể phối hợp hành nghề một cách an toàn, thuận lợi trên biển. Ngư dân Võ Văn Lựu, xã Bình Châu (Bình Sơn). Từ trước đến nay, anh em trên tàu chỉ biết đánh bắt, vận chuyển cá còn máy móc thì chịu. Khi tàu bị sự cố thì phải gọi về cho thợ máy trong bờ hướng dẫn sửa chữa. Có nhiều trường hợp không sửa chữa được phải nhờ tàu khác lai dắt vào bờ. Có trường hợp mới ra chưa đánh bắt được bao nhiêu lại phải vào bờ. Bây giờ, những ngư dân được học lớp máy trưởng, thuyền trưởng đã biết được ít kiến thức máy móc nên có thể tự khắc phục được ngoài biển, hoặc sửa chữa tạm để tàu hoạt động hết phiên biển rồi vào bờ kiểm tra lại. Nhờ vậy bà con ngư dân yên tâm hơn mỗi khi ra khơi. Chủ tàu cá QNg-92693TS Phạm Quang Hùng ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa). Được đào tạo miễn phí nghề thuyền trưởng, bản thân tôi đã nắm bắt được nhiều kiến thức quan trọng để áp dụng khi lái tàu ra khơi hành nghề. Qua khóa học chúng tôi được hướng dẫn từ đường đi đánh bắt, né, tránh tàu, điều khiển tàu sao cho tiết kiệm dầu, cách bảo quản hải sản trên tàu... Ngoài ra, chúng tôi còn được hướng dẫn về Luật biển, Luật hàng hải để tránh nguy hiểm khi đánh bắt ngoài khơi. Nhờ được học các kiến thức bổ ích mà anh em chúng tôi yên tâm ra biển hơn và thực hiện đánh bắt có hiệu quả. |
Xuân Thiên