(QNĐT)- Sáng 21/2, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 157 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Tính đến cuối năm 2012, tổng nguồn vốn Chương trình là 36.125 tỷ đồng, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã cho hơn 2,8 triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải học tập với tổng doanh số cho vay là 43.362 tỷ đồng. Đến nay, đang còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu lượt HSSV đi học.
Cùng với việc điều chỉnh mức cho vay, lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ khi chính sách học phí thay đổi, giá cả sinh hoạt biến động, chương trình cũng đã mở rộng đối tượng cho vay.
5 năm tới, dự kiến tổng nguồn vốn của chương trình khoảng 45.000 tỷ đồng. Chương trình sẽ huy động mọi nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV hàng năm, phấn đấu “không để một HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”.
Sau 5 năm thực hiện chương trình, đã có hàng triệu lượt HSSV được vay vốn để trang trải học tập. |
Để chương trình phát huy hiệu quả, ổn định, phát triển bền vững, tại cuộc họp, nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo lập nguồn vốn cho vay của chương trình. Hiện nay, mới chỉ có 4,1% nguồn vốn cấp từ ngân sách trung ương ổn định, còn lại huy động từ trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vốn vay ngắn hạn, trong khi thời hạn vay từ 7-8 năm nên nguồn vốn luôn trong tình trạng mất cân đối, bị động và thiếu bền vững.
Mặt khác, Chính phủ cũng điều chỉnh mức cho vay tăng thêm, đồng thời bổ sung đối tượng cho vay vốn với những hộ gia đình có từ 2 HSSV trở lên mà không thuộc đối tượng cho vay theo hiện hành.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chương trình tín dụng đối với HSSV là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ với mục tiêu không để HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền. Qua 5 năm thực hiện cho thấy, chương trình là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị. Vì thế, chương trình sẽ tiếp tục đến khi nào hết hộ nghèo. Trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ có những giải pháp tích cực để chương trình phát triển bền vững hơn.
Tin, ảnh: Ái Kiều