Quy định dạy thêm, học thêm: Cần được thực thi một cách có hiệu quả

01:01, 10/01/2013
.

(QNg)- Ngày 7/1/2013, quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND bắt đầu có hiệu lực.

TIN LIÊN QUAN


Tuy nhiên, để quyết định này được thực thi một cách có hiệu quả là điều không đơn giản.Thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm tràn lan trên địa bàn tỉnh là một vấn nạn gây bức xúc trong dư luận. Do đó, việc UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm sẽ kịp thời chấn chỉnh được tình trạng trên.

 

Học sinh nghèo Trường THCS Tịnh Thiện được nhận học bổng.
Học sinh nghèo Trường THCS Tịnh Thiện được nhận học bổng.


Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, đây là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến nhiều đối tượng và dạy thêm, học thêm là một nhu cầu thật sự của xã hội, nên trong quá trình thẩm định trước khi trình UBND tỉnh ký ban hành, Sở Tư pháp rất thận trọng cân nhắc trong từng điều khoản quy định. Anh Trần  Thường ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) có con học lớp 12, chia sẻ: "Đây là một quy định khá chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, người dạy và người học về nội dung dạy, học, kinh phí. Do đó, gia đình cảm thấy an tâm khi cho con đi học thêm".

Theo đó, việc dạy thêm, học thêm được phép thực hiện ở tất cả các khối lớp; tổ chức trong hoặc ngoài nhà trường, nhưng phải được cơ quan chức năng cấp phép (Sở GD&ĐT, UBND huyện hoặc Phòng GD&ĐT huyện). Tổ chức hoặc cá nhân tham gia dạy phải lập sổ theo dõi học sinh, các khoản thu- chi; đặc biệt là phải có giáo án dạy thêm và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Số tiết dạy thêm, học thêm trong 1 buổi không quá 3 tiết; thời gian dạy trong ngày từ 7 giờ đến 11 giờ trưa, buổi chiều từ 14 giờ đến 17 giờ và buổi tối kết thúc trước 20giờ 30. Về số lượng học sinh: Bậc trung học không quá 45 em/lớp; bậc tiểu học không quá 35 em/lớp. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy thêm, học thêm phải đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT. Thù lao cho giáo viên tiểu học không quá 9% mức lương tối thiểu/1 tiết; THCS không quá 12% và THPT không quá 15%. Tuy nhiên, tổng số tiền chi trực tiếp cho giáo viên chiếm khoảng 80% tổng số tiền thu học thêm, còn lại 10% chi sửa chữa cơ sở vật chất, điện nước, văn phòng... 8% cho công tác quản lý... và 2% cho cơ quan cấp phép dạy thêm.


Đối chiếu với các quy định trên thì các điểm dạy thêm ngoài nhà trường khó có thể hội đủ điều kiện, kể cả việc dạy và học. Đó là cơ sở vật chất và thời gian, số tiết dạy trong ngày. Qua thực tế chúng tôi được biết, hiện vẫn còn một số điểm dạy thêm ngoài nhà trường dạy từ 4-5 suất/ngày, vì thế cũng có học sinh phải theo học chừng ấy suất. Nhiều lớp học ở bậc trung học có trên 45 em/lớp.

Anh Nguyễn Văn Năng - một phụ huynh ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho rằng, khi đã có quy định thì phải tăng cường công tác kiểm tra việc dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường. Trường hợp nào vi phạm quy định này tùy theo mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc cấm tuyệt đối việc dạy thêm, nếu nặng thì có thể buộc thôi việc. Bởi lẽ, bên cạnh một số thầy cô giáo có tâm với nghề thì cũng có không ít người đặt nặng vấn đề đồng tiền lên hàng đầu.

Do đó, để quy định được thực thi một cách có hiệu quả đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ngành giáo dục, phụ huynh và học sinh.


Bài, ảnh: Đức Nguyễn
 


.