Thu hút sinh viên về cơ sở: Nơi mặn mà, chỗ "hẩy" ra!

02:12, 16/12/2012
.

(QNg)- Đề án 8738 thu hút sinh viên về công tác tại cơ sở của tỉnh triển khai thực hiện cách đây 2 năm. Đến nay, 69 sinh viên đã tỏa về vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để cùng chính quyền "gánh" việc dân, việc nước. Nhiều người trong số đó đã "trụ" được nhưng vẫn có trường hợp rơi vào cảnh chơi vơi, do nơi tiếp nhận không mặn mà với sự có mặt của họ…

TIN LIÊN QUAN


Ở nơi thuận lợi

Cùng lên đường vào sáng ngày 1/10/2010, bộ ba sinh viên tình nguyện lên vùng cao Tây Trà "Linh, Khánh, Ca" là những "hạt giống đỏ" tìm được mảnh đất màu mỡ để "đâm chồi non, lộc biếc". Hiện cả ba đều là cán bộ văn phòng UBND xã: Lê Bá Linh công tác ở xã Trà Lãnh; Nguyễn Duy Khánh ở xã Trà Thọ và Trương Văn Ca ở xã Trà Phong. Gặp lại các sinh viên sau 2 năm, ai cũng trưởng thành thấy rõ. Từ dáng vẻ, đến cách ăn nói, "tiếp dân" đều "sáng" lên nhiều, được cán bộ, nhân dân nơi địa phương công tác khen ngợi.

 

Sinh viên tình nguyện Nguyễn Thị Thu Hà (bên phải) cấp phát giống lúa, phân bón cho đồng bào dân tộc Hrê ở xã Ba Liên (Ba Tơ). Ảnh: t.nhị
Sinh viên tình nguyện Nguyễn Thị Thu Hà (bên phải) cấp phát giống lúa, phân bón cho đồng bào dân tộc Hrê ở xã Ba Liên (Ba Tơ).



Công tác ở nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nguyễn Duy Khánh - cán bộ văn phòng xã Trà Thọ, tất bật với hàng núi công việc từ sáng tới chiều. Đầu tuần, Khánh rong ruổi hơn 100 cây số từ huyện Nghĩa Hành "cõng" theo ít lương thực, thực phẩm đủ trong một tuần, cuối tuần, anh lại xuôi xe về nhà thăm gia đình. Vì vẫn còn độc thân, nên tiền lương, tiền phụ cấp tổng cộng khoảng 6 triệu đồng/tháng, chi tiêu rồi Khánh vẫn còn để dành được chút ít. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là 3 cán bộ "sinh viên thu hút" đều được lãnh đạo xã tạo điều kiện trong công tác. Có được môi trường làm việc thuận lợi, với tình yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ thực sự của lãnh đạo địa phương, công việc của "ba chàng ngự lâm" lên như "diều gặp gió".

Được lãnh đạo các xã luôn tin tưởng, không gây bất kỳ sức ép nào trong công tác, thế nên Linh, Khánh, Ca đã thực sự được cống hiến. Thậm chí, ban đầu khi mới lên công tác, bảng lương chưa làm kịp đã được lãnh đạo xã "thông cảm" giải quyết tạm ứng trước. Nơi ăn chốn ở cũng được xã quan tâm tạo điều kiện. Những ý kiến đóng góp được tập thể lãnh đạo UBND xã lắng nghe, trân trọng và "thuận theo" những ý kiến hợp tình, hợp lý. Ba cán bộ ấy hiện đã có 2 người là đại biểu hội đồng nhân dân xã và càng vui hơn khi họ đều đã là "nguồn" để đào tạo, bồi dưỡng trở thành phó chủ tịch xã trong những năm tới.

Nơi khó khăn


Cũng xuất hành cùng ngày cùng tháng cùng năm (1/10/2010), nhưng câu chuyện "tình nguyện" của sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà, được bố trí về công tác tại xã Ba Liên (Ba Tơ) lại khiến người nghe phải chạnh lòng. Sau 2 năm công tác, Hà chưa được xếp biên chế công chức. Hiện nay Hà vẫn chỉ là nhân viên hợp đồng làm việc tại văn phòng UBND xã Ba Liên. Trò chuyện với chúng tôi, bao lần Hà rơi nước mắt. Mong ước nhỏ của Hà là được trở thành "công chức xã" khi tình nguyện về cơ sở công tác mãi vẫn chưa thành hiện thực. Mà lỗi ở đây không phải do Hà…

Ông Phạm Văn Cu - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Liên - người hướng dẫn tập sự cho sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà nhận xét: "Hà là cán bộ đảm bảo về trình độ chuyên môn, đạo đức tốt, nhiệt tình trong công tác. Hà chưa được xếp vào ngạch công chức là do cơ quan chứ không phải vì Hà không đủ điều kiện". Rồi ông Phó Chủ tịch Phạm Văn Cu lấy hàng loạt ví dụ để chứng minh cho chúng tôi hiểu hơn về năng lực, trình độ và tinh thần thái độ công tác của Hà. Tất cả đều để khẳng định thêm về Đề án 8738 đã không chọn nhầm… người! Thế nhưng kết quả suất biên chế ấy lại "rơi" vào một cán bộ khác cùng công tác chung với Hà tại văn phòng UBND xã Ba Liên. Bị "trật" biên chế, môi trường công tác của Hà trở nên khó khăn thấy rõ.

Giải thích về điều này, ông Phạm Văn Nhiết - Chủ tịch UBND xã Ba Liên bảo rằng: "Xã có 3 người cần xét vào biên chế nhưng chỉ tiêu chỉ có 1. Với quan điểm ưu tiên cho người địa phương biết tiếng dân tộc thiểu số, xã đã chọn người khác chứ không chọn Hà”.

Mỗi ngày Hà phải vượt khoảng 30 cây số từ nhà (ở thị trấn Chợ Chùa, Nghĩa Hành) đến xã Ba Liên làm việc, nhưng không khi nào Hà "đi trễ, về sớm". Công việc được giao Hà đều hoàn thành tốt. Đồng nghiệp có khó khăn, Hà đều sẵn lòng chia sẻ. Dù là thân gái, có con nhỏ nhưng nhờ có gia đình ủng hộ, động viên Hà vẫn cố gắng phấn đấu thực hiện phương châm "tình nguyện" mà mình đã đề ra, đeo đuổi. Nhận được băn khoăn của Hà, mới đây Sở Nội vụ đã có buổi làm việc với UBND huyện Ba Tơ và yêu cầu Phòng nội vụ huyện tham mưu tuyển dụng sinh viên tình nguyện Nguyễn Thị Thu Hà thuộc diện tăng cường theo Đề án 8738 của Tỉnh ủy.

Vì chưa được xét tuyển dụng vào biên chế, hiện nay Hà chỉ nhận được duy nhất suất lương theo hợp đồng khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi các bạn cùng "tình nguyện" như Hà được tuyển dụng biên chế đã hưởng mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Để những sinh viên tình nguyện có cơ hội được cống hiến đúng như Đề án 8738 đã đề ra, những người có trách nhiệm cần phải có trách nhiệm đến cùng với tinh thần tình nguyện ấy.
 

THANH NHỊ
 


.