Sơn Tây: Nỗi lo ngày tựu trường

09:08, 15/08/2012
.

(QNg)- Những ngày đầu tháng 8, trong khi nhiều học sinh miền xuôi đang hớn hở chuẩn bị đón chào năm học mới thì ở vùng cao Sơn Tây vẫn còn nhiều con em người đồng bào dân tộc thiểu số phải đối mặt với nhiều nỗi lo…  

TIN LIÊN QUAN


Vượt gần 4km đường dốc đá ngoằn ngoèo, khó khăn lắm chúng tôi mới đến được xóm Nghèo (thôn Nước Vương, Sơn Liên), nơi 34 hộ dân đã bám trụ trên mảnh đất nghèo khó này. Khi chúng tôi hỏi về việc chuẩn bị cho các con trong năm học mới thì nỗi buồn thoáng hiện trên khuôn mặt sạm đen của anh Nuôi. Chị  Châu-vợ anh Nuôi, cho biết: Vợ chồng anh chị có 3 con đang trong độ tuổi ăn học. Hai đứa lớn năm nay học lớp 9, còn đứa bé nhất học lớp 7. Biết các con sắp ra lớp nhưng vợ chồng anh vẫn chưa chuẩn bị được sách vở, bút mực, áo quần… cho con.

Học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường.
Học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến trường.


 Nuôi 3 con ăn học đối với vợ chồng anh vốn dĩ đã vô cùng khó khăn,  anh chị còn phụng dưỡng cha mẹ từ lâu đã mất sức lao động, lại thường xuyên ốm đau. Anh Nuôi phải làm việc quần quật để chèo chống gia đình. Nhìn ngôi nhà sàn trống hoác, trong nhà không có lấy vật dụng gì đáng giá, chúng tôi cảm nhận được cái nghèo đang bủa vây gia đình anh. Nhọc nhằn đủ đường, nhưng vợ chồng anh vẫn quyết tâm cho con đi học. Vì anh không muốn các con anh giống đời ông bà, bố mẹ chúng. "Dù không đủ ăn nhưng vợ chồng tui vẫn cố gắng tạo điều kiện cho con đi học, có kiến thức để sau này có thể thoát nghèo"-anh Nuôi tâm sự.

Không chỉ anh Nuôi mà hầu hết người dân nơi đây đều khao khát cho con đến trường. Ai cũng mong mỏi lớp trẻ sẽ cố gắng học tập để góp phần xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp hơn và có một tương lai tươi sáng hơn.

Nỗi lo ngày tựu trường đâu chỉ dành riêng cho người lớn. Em Đinh Thị Thương ở tập đoàn 20, thôn Rô Manh, xã Sơn Long tâm sự: Sắp tới được lên lớp 11, em vừa vui nhưng lại vừa lo. Vui vì lại được đến trường, được gặp thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, nhà em ở xa trường. Mỗi lần đến trường em phải đi bộ cả ngày mới tới nơi. Năm học 2011-2012 hầu như em ở lại khu bán trú của trường là chính. Chiều cuối tuần sau khi tan học không có xe nên có hôm phải 11h đêm em mới về tới nhà, người mỏi mệt rả rời.

Xã Sơn Long nằm trên cung đường Đông Trường Sơn và thuộc Dự án thủy điện Đakđrinh. Đường sá chưa thông nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Hầu hết người dân nơi đây đều phải đi bộ. Bởi thế nhiều học sinh ở xa trường, nếu không có nhà bán trú sẽ rất vất vả.

Để đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy và học, năm 2012 huyện Sơn Tây đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp. Ông Lê Hoài Thạnh-Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cho biết: Năm học 2012-2013, toàn huyện có 5.200 học sinh. Trong đó bậc mầm non có hơn 1.500 em, tiểu học có 2.100 em và bậc THCS có 1.600 em (kể cả Dân tộc nội trú). Năm nay, huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 12 phòng học mới (6 phòng cho Trường THCS Sơn Tinh, 6 phòng cho Trường tiểu học Sơn Liên), đồng thời tu sửa một số phòng học xuống cấp (chi phí khoảng 1 tỉ đồng).

Theo Dự án nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học (SEQAP), huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học. Ngoài ra, huyện còn chi 200 triệu đồng để mua vở, sách giáo khoa cấp cho học sinh nghèo. Đối với bậc THPT, năm học 2012-2013 tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng nhà bán trú mới cho học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Với nhà bán trú mới hứa hẹn sẽ đáp ứng được hầu hết nhu cầu  của học sinh ở xa. Trường cũng đã tiến hành tu sửa và mở rộng khu bán trú cũ cho học sinh.


Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.