Xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ tiêu chí giáo dục

12:06, 22/06/2012
.

(QNg)- Để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), một trong những tiêu chí mà các địa phương phải đáp ứng là hệ thống trường học các cấp: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Đây được xem là tiêu chí "khó nuốt" vì hiện nhiều xã còn "trắng chuẩn" ở các cấp học.
 

TIN LIÊN QUAN


101 lý do "hụt" chuẩn

"Cả 4 trường đứng chân trên địa bàn xã đều chưa đạt chuẩn. Địa phương cũng rất lo vì để được công nhận trường chuẩn quốc gia, phải mất rất nhiều thời gian phấn đấu", ông Đinh Hồng Ngót - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành (Sơn Hà) cho biết. Theo ông Ngót, lý do "trắng chuẩn" ở đây là vì các trường có diện tích nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa thiếu vừa yếu. Ngay như Trường tiểu học Sơn Thành, dù đã được các cấp quan tâm, ưu ái đầu tư nhưng hàng chục năm nay vẫn bị "hụt" chuẩn vì quá nhiều tiêu chí chưa đạt. Phòng học thiếu, hư hỏng và xuống cấp nhiều nên không đáp ứng nhu cầu dạy và học 2 buổi/ngày; sân chơi, bãi tập và phòng chức năng chưa được xây dựng, các điểm trường thôn còn tạm bợ… Thế nên, dù là niềm hy vọng lớn của xã nhưng ngoài việc phấn đấu dạy tốt học tốt, thầy và trò trường tiểu học Sơn Thành cũng chỉ biết trông chờ một cuộc "đại trùng tu", may ra mới có cơ hội đạt chuẩn!

Nhiều trường Mầm non đang gặp khó khăn trong việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vì diện tích quá nhỏ. Trong ảnh: Các bé Trường Mầm non Hành Thịnh vui chơi ngoài trời.
Nhiều trường Mầm non đang gặp khó khăn trong việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vì diện tích quá nhỏ. Trong ảnh: Các bé Trường Mầm non Hành Thịnh vui chơi ngoài trời.


Khác với Sơn Thành, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) đã có hai trường tiểu học và THCS đạt chuẩn từ lâu, nhưng trường Mầm non thì vẫn loay hoay với mục tiêu này vì… bé quá! Và dù được nằm ở vị trí đắc địa của xã, nhưng lại bị kẹp giữa trường THCS và con đường bê tông, nên trường Mầm non Hành Thịnh chẳng biết "nới" chỗ nào cho phải. Vì thế mà lâu nay, chính quyền địa phương nơi đây luôn đau đầu với câu hỏi: Tìm đâu ra đất xây dựng trường mới, để vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, vừa hoàn thành nốt tiêu chí "chuẩn giáo dục" của NTM.

Nếu như các trường ở Sơn Thành, Hành Thịnh chưa đạt chuẩn vì những lý do muôn thuở là cơ sở hạ tầng "thiếu, yếu", thì Trường THCS Nghĩa Hòa ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) lại bị "treo" chuẩn vô thời hạn, vì "vướng" phải tiêu chí oái ăm. Đó là để được công nhận chuẩn, trường phải đáp ứng một trong 5 tiêu chí là 100% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đạt loại khá trở lên về chuẩn nghề nghiệp. Tuy nhiên, Trường THCS Nghĩa Hòa lại có 1 giáo viên bị xếp kỷ luật yếu, do vi phạm đạo đức nghề giáo. Vậy là nhiều năm nay, dù xứng đáng đạt chuẩn nhưng thầy và trò trường này cũng không thể nào vượt qua được cái "án tử" ấy.  

Cần liều thuốc "trợ lực"

Khi NTM có tiêu chí chuẩn giáo dục, thì chuyện Trường tiểu học Sơn Thành đạt chuẩn càng sớm càng tốt đã trở thành mục tiêu cần-phải-đạt của chính quyền địa phương, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình xây dựng NTM của xã điểm Sơn Thành. Để sớm tháo gỡ được nút thắt này, UBND huyện Sơn Hà đã quyết định hỗ trợ 474 triệu đồng, giúp trường đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đền bù nhằm mở rộng 2.000m2. Đối với Trường Mầm non Sơn Thành, huyện cũng đầu tư gần 7 tỷ đồng (từ nguồn vốn 30a) để xây dựng, sắm mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Hai trường này phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2014, trước 1 năm so với mục tiêu đạt NTM của xã Sơn Thành.

Không may mắn được huyện "hậu thuẫn" như các trường ở xã Sơn Thành, Trường Mầm non Đức Thắng ở xã Đức Thắng (Mộ Đức) phải tiếp tục… đợi, dù "sống" tạm bợ từ nhiều năm nay. Điều oái ăm là địa phương đã bố trí được quỹ đất và sẽ được Chương trình kiên cố hóa trường lớp học (CT) đầu tư xây dựng, nhưng do không có kinh phí để san lấp mặt bằng nên xã đành ngậm ngùi… nhìn đất trống! "CT chỉ đầu tư cho những công trình có sẵn mặt bằng. Trong khi địa phương lấy đâu ra tiền để san ủi ngần ấy diện tích đất. Đành trông chờ vào nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ khác, dù sự chờ đợi ấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các cháu cũng như lộ trình đạt chuẩn NTM của địa phương", ông Nguyễn Tấn Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cho hay.

Suy cho cùng, việc phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia, trước hết là để nâng cao chất lượng dạy và học cho giáo viên và học sinh. Do đó, trường chuẩn phải thật sự mang lại môi trường học tập thân thiện và thoải mái cho học sinh, chứ không phải chỉ cần trang bị đầy đủ thiết bị này, máy móc nọ là đủ. Vậy nên, dù "chuẩn giáo dục" đã và đang trở thành tiêu chí "khó nuốt" của các địa phương trong tiến trình xây dựng NTM, nhưng để các trường thật sự xứng đáng đạt chuẩn, cần có sự nỗ lực và đầu tư nâng cao "chất", chứ không phải chạy theo "lượng" chỉ vì cái... tiêu chí!


Bài, ảnh: MỸ HOA  
 


.